Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thăm, làm việc tại Đài KTTV Khu vực Tây Nguyên

11/04/2017 00:00

(TN&MT) - Trong buổi làm việc chiều ngày 11/4 tại TP Pleiku (Gia Lai), Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cùng Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã nghe báo cáo tóm tắt...

 

(TN&MT) - Trong buổi làm việc chiều ngày 11/4 tại TP Pleiku (Gia Lai), Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cùng Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã nghe báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017 của Đài KTTV Tây Nguyên.

Thứ trưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi lviec với Đài KTTV Tây Nguyên.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi lviec với Đài KTTV Tây Nguyên.

Ông Tạ Đăng Hoàn – Giám đốc Đài phát biểu: Ngay từ đầu năm trong công tác dự báo phục vụ, Đài đã chỉ đạo phòng Dự báo và Đài KTTV các tỉnh rà soát, đánh giá các phương án dự báo KTTV, bổ sung mới các phương án dự báo với từng vùng, đặc biệt là phương án dự báo thủy văn đối với những lưu vực có hồ chứa thủy điện nhằm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo vận hành liên hồ trong mùa cạn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đài KTTV khu vực Tây Nguyên thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết trong khu vực, ra các bản tin cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, mưa đá… trong thời gian từ tháng 3 đến nay. Nhìn chung các bản tin cảnh báo đã thực hiện tương đối kịp thời và chính xác. Cuối tháng 3, Đài cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2016 và triển khai công tác dự báo năm 2017. Từ đó tìm ra những điểm còn hạn chế trong công tác, nhận định diễn biến thời tiết bất thường vụ hè thu 2017 và việc xây dựng quy trình ra bản tin dự báo theo Thông tư số 40/2016/TT-BTNMT và Thông tư 41/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT…

Trong 3 tháng đầu năm, công tác điều tra cơ bản của Đài đã chỉ đạo các Trạm thực hiện tốt công tác chuyên môn cũng như công tác trực ca, trực trạm, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn tuyệt đối và cũng đã tổ chức du tu bảo dưỡng, công trình trước mùa mưa lũ; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ… Công tác thông tin và dữ liệu KTTV Đài đã làm tốt công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị thông tin trước mùa bão lũ, kết hợp công tác bảo trì bảo dưỡng 81 trạm đo mưa tự động nhằm đảm bảo công tác thông tin liên lạc, số liệu được chuyển đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định, phục vụ công tác dự báo KTTV; đảm bảo duy trì hoạt động hệ thống mạng Internet, LAN, WAN và cổng thông tin điện từ của Đài…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng và Đoàn công tác cũng đã được nghe 7 ý kiến phát biểu của lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của Đài liên quan đến vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất cần tháo gỡ để Đài hoạt động tốt hơn trong thời gian tới như: số lượng biên chế về cán bộ, trình độ năng lực, đầu mua sắm trang thiết bị, máy móc công nghệ thông tin hiện đại, đầu tư xây dựng dự án Trạm Ra Đa thời tiết TP Pleiku… Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao chất lượng các ý kiến đóng góp, đồng thời làm rõ về một số cơ chế chính sách hiện nay; chia sẻ những khó khăn, tồn tại của cán bộ ngành KTTV tại Tây Nguyên.

Thứ trưởng cũng thông báo, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP về việc nâng cấp Trung tâm KTTV quốc gia lên Tổng cục KTTV quốc gia. Đây là công cụ thuận lợi để thực hiện chức năng,  nhiệm vụ, thay đổi cơ cấu tổ chức… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngành KTTV trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh: Đài KTTV tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người, kinh phí hoạt động… nhưng cán bộ và công nhân viên của Đài vẫn cố gắng nỗ lực rất lớn để vượt qua, hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra là điều đáng biểu dương. Bộ cũng đang xây dựng một Đề án về hiện đại hóa ngành KTTV để dần khắc phục những hạn chế, khó khăn như hiện nay. Tây Nguyên là tiểu vùng khí hậu có tính tương đồng; Tây Nguyên là địa hình miền núi bị chia cắt nên có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên rất cần sự cố gắng nổ lực của đội ngũ cán bộ, dần đầu tư hiện đại, tăng thêm nhiều trạm thì mới đo chính xác…

Đầu năm 2017, Đài triển khai hoạt động tương đối tốt, nhưng có mấy việc cần quan tâm đó là công tác cảnh báo cần chi tiết hơn, chuyên sâu hơn để phục vụ công tác nông nghiệp, phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân các địa phương. Đài phải là người đi tiên phong, quan chắc dự báo thủy văn, liên hồ chứa…

Thời gian tới, Đài KTTV Tây Nguyên sẽ được đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động và nhiều lĩnh vực khác theo kế hoạch đầu tư 2017 – 2020 của Bộ để đáp ứng yêu cầu, song song đó là việc đầu tư cơ sở dữ liệu – đây là nhiệm vụ trọng tâm. Thứ trưởng khẳng định thời gian tới, chúng ta sẽ đi vào hiện đại hóa KTTV vì vậy chúng ta cần nhất là con người, phải đào tạo nâng cao, đào tạo lại, hoặc tự nguyên cứu… để đáp ứng yêu cầu sử dụng, vận hành công nghệ tiên tiến KTTV trong thời gian tới.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người thực hiện Luật KTTV kết hợp với địa phương cũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ trên địa bàn.

Tính đột phá trong thời gian tới là Đài cần thực hiện cơ chế tự chủ, dịch vụ KTTV (theo đơn đặt hàng) theo Nghị định 16 chứ không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Hoạt động KTTV phải luôn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nếu dự báo đúng, cảnh báo đúng, đánh giá đúng… thì ngành KTTV mới hoàn thành nhiệm vụ.

Tin & ảnh:  Vũ Đình Năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thăm, làm việc tại Đài KTTV Khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO