Tham dự buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ TN&MT có ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Về phía tỉnh Kon Tum, có ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lộc – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đến nay đã tổng hợp và thống kê được trên địa bàn tỉnh khoảng 214 mỏ, 49 điểm quặng và khoáng hóa, 40 loại khoáng sản với các kim loại có nguồn gốc khác nhau. Một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp then chốt của quốc gia. Tuy nhiên, đa phần các loại khoáng sản trên còn ở dưới dạng tiềm ẩn.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng của tỉnh phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các Liên đoàn Địa chất tham gia thực hiện các đề án, dự án điều tra, đánh giá địa chất khoáng sản liên quan.
Tỉnh Kon Tum đã cập nhật thông tin về kết quả điều tra địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Bộ TN&MT cung cấp để định hướng mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với đó, Kon Tum đã cập nhật các quy hoạch liên quan, có sử dụng đất, sử dụng tài nguyên khoáng sản vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum; các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thường xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện nhưng không thống nhất trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng lợi dụng để khai thác, thu hồi khoáng sản không đúng quy định.
Ngoài ra, việc quản lý nguồn vật liệu đất, đá phát thải trong quá trình thi công xây dựng công trình và hoạt động xây dựng dân dụng chưa có quy định cụ thể gây thất thoát, lãng phí tài nguyên; vướng mắc giữa Luật Đất đai và Luật Khoáng sản gây khó khăn cho hoạt động đấu giá khai thác khoáng sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, tiềm năng khoáng sản của Kon Tum lớn nhưng hoạt động điều tra, đánh giá về khoáng sản chỉ mới ở bước đầu; chưa phát hiện, khoanh định các mỏ khoáng sản lớn để thu hút các nhà đầu tư.
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng đề nghị lực lượng biên phòng tỉnh Kon Tum phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị thuộc Bộ TN&MT để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản khu vực biên giới và triển khai thực hiện đề án điều tra, đánh giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị tỉnh Kon Tum hướng đến đầu tư hoàn thiện nâng cao trình độ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. “Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, lấy ý kiến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum để thực hiện khoanh định những điểm có tiềm năng khoáng sản lớn tại Kon Tum, đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác, cấp phép theo quy định, tránh làm nhỏ lẻ tài nguyên, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Thay mặt UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng mong muốn trong thời gian tới, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với tỉnh Kon Tum trong việc nâng cao hiệu quả công tác thăm dò, khoanh định khoáng sản, đặc biệt, là khoáng sản xạ hiếm: vàng, đồng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.