Ngành TN&MT

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo lần 3 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Mai Đan 13/10/2023 - 14:11

(TN&MT) - Ngày 13/10, tại Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo lần thứ 3 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Ông Trần Quý Kiên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản chủ trì hội thảo.

img_5462.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc hội thảo

Đồng chủ trì hội thảo với Thứ trưởng có ông Trần Hòa Nam, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam và ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội; Bộ Công thương, Bộ Xây dựng; Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miền Trung và Nam Trung Bộ; các công ty hoạt động về khoáng sản khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.

img_5486.jpg
Ông Trần Hòa Nam, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Thời điểm hiện nay là giai đoạn rất quan trọng để Bộ TN&MT tập trung xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có thể đáp ứng được những yêu cầu nóng bỏng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, vừa tăng cường hợp tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản, vừa khắc phục những tồn tại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đây là những yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khai thác và sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, khai thác theo mô hình kinh tế tuần hoàn để phát huy hiệu quả cao nhất là yêu cầu rất cao. Bên cạnh những nội dung này, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tính toán hiệu quả trong khai thác, bảo vệ tài nguyên, trong đó có tài nguyên khoáng sản là nội dung rất quan trọng được đưa vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

img_5519.jpg
Ông Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam phân tích, làm rõ hơn các ý kiến góp ý tại hội thảo

Ngoài ra, Dự thảo có những quy định để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nhất là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã/phường có thể tổ chức thực hiện công tác quản lý, phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, kinh phí bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt sử dụng kinh phí để điều tra, đánh giá, phát hiện, khoanh định các tiềm năng khoáng sản thuộc phạm vi, thẩm quyền phân cấp của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, cũng như việc tổ chức, thăm dò, đánh giá các loại khoáng sản chiến lược quan trọng cũng là những nội dung quan trọng được đề cập trong Dự thảo Luật.

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, những khoáng sản chiến lược quan trọng càng có ý nghĩa. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã dự kiến trình Chính phủ phân bổ xem xét có các danh mục khoáng sản chiến lược quan trọng của đất nước; vấn đề phân công, phân cấp quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng được rà soát hợp lý hơn để phát huy trách nhiệm của từng Bộ, ngành, các cơ quan chủ quản, cũng như chính quyền UBND các cấp trong vấn đề này.

img_5499.jpg
Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam trình bày những nội dung chính của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng có nội dung về đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi ích của nhân dân, cộng đồng dân cư, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác…

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Nhìn chung đã phát huy được hiệu quả, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản; góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao được ý thức, nhận thức của cộng đồng nhân dân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Ông Trần Hòa Nam đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản đến nay cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; công tác quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Về góc độ quản lý nhà nước ở các địa phương nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã phát sinh nhiều vướng mắc cần phải có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo các hoạt động quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản ngày càng phát huy được hiệu lực, hiệu quả, khơi thông được nguồn lực tài nguyên đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

img_5542.jpg
Các đại biểu chủ trì hội thảo

Do vậy, ông Trần Hòa Nam hy vọng qua Hội thảo, Bộ TN&MT, Ban soạn thảo Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý hữu ích từ các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản để nghiên cứu, tham khảo, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tại hội thảo, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam đã thông tin về mục đích, yêu cầu, bố cục và nội dung của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Bên cạnh việc kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (gồm 13 Chương và 132 Điều) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

img_5476.jpg
Quang cảnh hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có những bài tham luận và nhiều ý kiến góp ý cho những nội dung cụ thể của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như: hồ sơ cấp phép vật liệu xây dựng thông thường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giám sát sản lượng khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sử dụng đất trong khai thác khoáng sản… Ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Bộ TN&MT nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Địa Chất và Khoáng sản để trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch.

Hội thảo diễn ra trong cả ngày 13/10. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung Hội thảo trong các tin bài tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo lần 3 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO