Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.154.428 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 881.004 tỷ đồng, bằng 96,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 65.536 tỷ đồng, bằng 232,4% so với dự toán, bằng 195,0% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất ước đạt 173.168 tỷ, bằng 128,3% dự toán, bằng 145,7% so với cùng kỳ.
Kết quả khả quan này có được là nhờ vào các quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các biện pháp tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh công tác chống thất thu, trốn thuế; đẩy mạnh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước.
Riêng trong tháng 10/2022, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 115.800 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 74,1% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 6.200 tỷ đồng, bằng 22% so với dự toán, bằng 151,4% so với cùng kỳ năm 2021; Thu nội địa ước đạt 109.600 tỷ đồng, bằng 9,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 72,1% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 77.159 tỷ đồng, bằng 8,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 59,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả thu theo địa bàn, ngành Thuế cho biết vẫn thường xuyên bám sát tiến độ và chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đảm bảo 63/63 địa phương hoàn thành Dự toán. Tuy nhiên, đến hết tháng 10/2022, tiến độ thực hiện thu của một số địa phương còn thấp như: Cao Bằng (74,7%); Bắc Kạn (79,2%)...
Về kết quả thực hiện các chức năng quản lý thuế, theo Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 31/10/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 55.840 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 75,56% kế hoạch năm 2022 và bằng 106,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 51.221,8 tỷ đồng bằng 138,79% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.232,8 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.805,7 tỷ đồng; giảm lỗ là 37.183,4 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế chính thức áp dụng triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Tính đến ngày 31/10, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn (trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã).
Thông tin về kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Tổng cục Thuế cho biết, tính đến cuối tháng 10, lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm gia hạn ước khoảng 160,3 nghìn tỷ.
Trong đó, số tiền thuế thuộc diện được gia hạn ước khoảng 104,3 nghìn tỷ, bao gồm: Gia hạn thuế TTĐB theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP ước khoảng 9.602 tỷ; Gia hạn theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP tính đến cuối tháng 10/2022, lũy kế tổng số thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn ước khoảng 94.662 tỷ đồng. (Trong đó, thuế GTGT của DN ước khoảng 52.405 tỷ; Thuế GTGT và TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh ước khoảng 221,4 tỷ; Thuế TNDN ước khoảng 40.000 tỷ; Tiền thuê đất được gia hạn khoảng 2.036 tỷ).
Kết quả, số tiền thuế, tiền thuê đất đã nộp vào NSNN đến hết tháng 10/2022 ước khoảng 58.417 tỷ; Số tiền thuế, thuê đất còn đang tiếp tục được gia hạn ước khoảng 36.245 tỷ; Số thuế, phí, lệ phí được miễn giảm ước tính khoảng gần 56 nghìn tỷ đồng.