Thu hồi đất kém hiệu quả tạo tư liệu sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Giang - Khương Trung| 04/08/2020 09:30

(TN&MT) - “Các Bộ, ngành liên quan và địa phương đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh; thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích để tạo quỹ đất, giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất ở, đất sản xuất” - đó là đề xuất của Bộ TN&MT để giải quyết vấn đề đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Theo kết quả điều tra, cả nước có 381.293 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích thiếu là 211.741 ha. Nguyên nhân là do đói nghèo nhiều hộ gia đình đã phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất nhưng không có khả năng giải chấp hoặc chuộc lại; một số hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng chủ hộ đã tự ý sang nhượng để lấy tiền sử dụng cho mục đích cá nhân.

Do tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung lên Tây Nguyên không kiểm soát được; tình trạng thu gom, tích tụ đất đai (qua mua bán, sang nhượng trái phép) từ các hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã gây tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ DTTS.

Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh

Mặt khác, do bị thu hồi đất phục vụ các dự án đã làm giảm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất; công tác giao đất cho các nông, lâm trường trước đây không bóc tách phần diện tích đất của các hộ gia đình đang sử dụng và sinh sống nằm xen kẽ để đưa vào quỹ đất giao cho nông, lâm trường…

Theo Bộ TN&MT, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, sau rà soát, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp gắn tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về địa phương từ trước đến nay là 1.084.653 ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha), trong đó, đã xây dựng phương án sử dụng đất là 158.045 ha, bằng 15% tổng diện tích bàn giao về địa phương (trong đó phương án giao cho hộ gia đình cá nhân là 32.074 ha, giao cho tổ chức là 28.737 ha; chuyển toàn bộ công ty thành Ban Quản lý rừng phòng hộ 97.234 ha);

Tuy vậy, phần diện tích chưa có phương án (tạm giữ lại chưa giao) là 927.376 ha, bằng 75% tổng bàn giao về địa phương.

Để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào DTTS, Bộ TN&MT đề xuất giải pháp: Về giải pháp tạo quỹ đất, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh; thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích để tạo quỹ đất, giao cho các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất.

 

 Kiên quyết xử lý thu hồi các diện tích sử dụng sai mục đích, phát canh thu tô, giao khoán không đúng đối tượng để có diện tích đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu sử dụng đất ở, đất sản xuất…

Giải pháp quản lý, sử dụng đất: Cần quy định điều kiện ràng buộc cụ thể với các hộ được cấp đất ở, đất sản xuất: phải trực tiếp quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê trong thời hạn 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất.

Cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cần tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất sản xuất, quỹ đất đã giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; không để tình trạng đồng bào DTTS bán đất, cho thuê đất sản xuất được hỗ trợ nhất là các hộ thiếu đất sản xuất.

Về lâu dài, Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu thực hiện Đề án quản lý, sử dụng đất vùng DTTS và ban hành Nghị quyết của Quốc hội để quy hoạch các vùng DTTS trên cơ sở đó quản lý chặt chẽ không gian sinh sống, sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, phù hợp với phong tục, tập quán của từng khu vực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi đất kém hiệu quả tạo tư liệu sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO