Thông tin tiếp vụ Công ty Tân Phát thuê giang hồ chặt phá rừng trồng ở Đắk Nông

23/05/2014 00:00

(TN&MT) - Hành động chặt phá rừng trái phép của Công ty Tân Phát không những gây thiệt hại nặng nề đến Công ty Trường Thành mà còn gây ra thiệt hại cho các đơn...

   
(TN&MT) - Như Báo TN&MT đã phản ánh trong bài "Đắk Nông: Thuê giang hồ vào chặt phá rừng trồng", vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Tân Phát (gọi tắt là Công ty Tân Phát) liên tục đưa người vào chặt phát, khai thác trái phép rừng trồng ở xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong) của Công ty CP Trồng rừng Trường Thành (gọi tắt là Công ty Trường Thành). Việc Công ty Tân Phát thuê "giang hồ" giúp sức khai thác rừng trái phép không chỉ làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây thiệt hại nặng nề cho Công ty Trường Thành và nhiều cá nhân, đơn vị khác... mà đến nay công ty này cũng tự đẩy mình vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
   
   
Lừa cả “đối tác”
   
  Ông Đặng Ngọc Quý (trú tại Ninh Thuận) được ông Phạm Hoài Nam (Giám đốc Công ty Tân Phát) hợp đồng khai thác trái phép rừng trồng của Công ty Trường Thành vào đầu tháng 3/2014. Nhưng đến nay, Công ty Tân Phát đã “xù nợ” ông Quý và còn cho giang hồ doạ dẫm cả ông Quý. Theo ông Quý, ông đã từng được ông Nam thuê đến tỉa thưa khu vực rừng này vào năm 2005 nên lầm tưởng hơn 300ha rừng trồng ở xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long, Đắk Nông) thuộc sở hữu của Công ty Tân Phát. Vì thế, ông đã làm hợp đồng (HĐ) mua 100ha rừng keo (với giá 150 triệu đồng/ha) của công ty này. Theo HĐ, ông Quý sẽ đưa tiền cho ông Nam theo kiểu "cuốn chiếu" 5ha/lần và Nam đã ứng trước của ông Quý 350 triệu đồng.
   
  Sau khi 2 bên đã thống nhất với phương án mua bán, ông Phạm Hoài Nam đã dẫn ông Quý đến diện tích rừng trên và cắm mốc giao rừng cho ông Quý khai thác. Sau khi đưa người vào khai thác, ông Quý đã bị nhân viên của Công ty Trường Thành và lực lượng công an, kiểm lâm phát hiện, thu giữ phương tiện và yêu cầu ngừng khai thác vì đây là diện tích rừng của Công ty Trường Thành. Ông Quý đã gọi điện cho ông Nam để hỏi cho rõ thì ông Nam bảo tiếp tục khai thác và không đồng ý đưa lại số tiền đã ứng trước đó. Bên cạnh đó, ông Nam đã thuê một nhóm người hung tợn lạ mặt đến đe dọa người của công ty Trường Thành, đồng thời "bảo vệ" việc khai thác của ông Quý.
   
   
   
   
Thuê giang hồ quậy phá
   
  Trước những diễn biến phức tạp của sự việc, ngày 8/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra công văn yêu cầu các bên ngừng khai thác tại khu vực trên. Nhưng chỉ có Công ty Trường Thành ngừng khai thác còn Công ty Tân Phát lại đưa người vào với quy mô lớn hơn, trong đó có hàng chục người mặt mày hung tợn, xăm xổ đầy mình đến quấy phá.
   
  Ông Võ Minh Quang (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trường Thành) cho biết: "Vào ngày 16/4, khi chúng tôi vào kiểm tra rừng thì gặp khoảng 25-30 người của Công ty Tân Phát mang theo một bao hung khí uy hiếp, đánh đập tôi cùng một nhân viên. Cả 5 nhà báo đi cùng đoàn cũng bị các đối tượng này bắt xuất trình giấy tờ, lấy số điện thoại và uy hiếp tinh thần trước mặt đoàn kiểm tra. Chỉ đến khi các lực lượng chức năng được điều động đến đông hơn, đám người này mới chịu rút đi”.
   
   
  Đến ngày 25/4, ông Phạm Hoài Nam tiếp tục cho người đến trụ sở của Công ty Trường Thành (ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đưa danh sách đoàn 20 người giám sát hoạt động khai thác của Công ty Trường Thành. Trong lực lượng này, Công ty Trường Thành phát hiện một nhóm các đối tượng có trong danh sách "xã hội đen" đã từng uy hiếp, đánh đập người của công ty vào ngày 16/4. Một người trong nhóm đối tượng trên còn gọi cho ông Quang nói rằng Công ty Tân Phát đã chuyển nhượng toàn bộ 37% cổ phần (theo HĐ chuyển nhượng cổ phần số 05/HDCN-2014 ngày 28/3/2014 của Công ty Tân Phát) cho ông Nguyễn Văn Minh (trú tại TP. Nam Định) và yêu cầu phía Công ty Trường Thành phải chia số phần trăm tài sản sau khi khai thác gỗ tại khu vực rừng này. Theo ông Quang, việc ông Phạm Hoài Nam tự ý sang nhượng cổ phần là bất hợp pháp vì không hề thông qua hội đồng quản trị và đại hội cổ đông của công ty. Trong khi đó, Công ty Tân Phát đã thế chấp số cổ phần này trong khoản vay của Công ty Trường Thành (24,5 tỷ đồng vào năm 2007) theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
   
  Còn ông Võ Trường Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành) cho biết: "Vào ngày 17/4, khi tôi đang ở nhà riêng của mình (tại TP. Hồ Chí Minh) thì nhận được điện thoại của một số điện thoại lạ nói rằng nhà của ông đã bị bao vây và yêu cầu ông gặp mặt để trao đổi về vấn đề sang nhượng cổ phần của Công ty Tân Phát. Ngay sau đó, chúng tôi đã gặp mặt và và họ đã cung cấp giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Tân Phát cho ông Nguyễn Văn Minh, đồng thời yêu cầu tôi phải ký xác nhận theo văn bản. Nhưng tôi đã phân tích cho họ thấy rằng điều này là bất hợp pháp, không thể thực hiện và đưa cho họ xem các giấy tờ liên quan đến việc Công ty Tân Phát vay nợ của Công ty Trường Thành 24,5 tỷ đồng và quyền sở hữu diện tích rừng này là của Công ty Trường Thành". Cũng theo ông Võ Trường Thành, sau khi trao đổi, họ đã hiểu được vấn đề và không gây sức ép đối với ông nữa.
   
   
Thiệt hại nhiều bên
   
  Hành động trên của Công ty Tân Phát không những gây thiệt hại nặng nề đến Công ty Trường Thành mà còn gây ra thiệt hại cho các đơn vị, cá nhân khác.
   
  Theo ông Đặng Ngọc Quý, ngoài 350 triệu đồng đã ứng trước của ông, ông Phạm Hoài Nam còn ứng trước của ông Dương Huy Thành (bạn ông Quý, nhà ở Đồng Nai) 280 triệu đồng. Từ khi dừng khai thác đến nay, ông Quý đang phải chịu thiệt hại hàng chục triệu đồng/ngày vì các phương tiện, máy móc và nhân công thường trực tại khu vực này.
   
  Còn ông Võ Trường Thành cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, Công ty Trường Thành đã thiệt hại gần 3 tỷ đồng, trong đó có số gỗ đã kém chất lượng (đã khai thác nhưng không thể vận chuyển ra bên ngoài), các chi phí cho các phương tiện máy móc và con người trong hiện trường. Ngoài ra, phía công ty còn phải bồi thường cho các đối tác đã ký hợp đồng khai thác và mua bán gỗ. Uy tín của công ty cũng vì thế mà bị giảm sút". Mặc dù bị thiệt hại nhiều, hiện Công ty Trường Thành cũng để ông Quý cho nhân viên thu gom số gỗ đã khai thác và đưa ra bên ngoài. "Ông Quý cũng là một người liên quan đến sự việc, nhưng do ông ấy không biết nên mua phải diện tích rừng này. Chính vì vậy, công ty chúng tôi đã tạo điều kiện cho ông Quý thu gom phần gỗ đã khai thác để đưa ra ngoài bán, giúp trang trải một phần thiệt hại mà ông ấy phải chịu", ông Thành chia sẻ.
   
  Sau khi thuê các thành phần "giang hồ" vào vào xã Quảng Khê bảo vệ việc khai thác trái phép rừng, ông Phạm Hoài Nam cũng đang chịu sức ép lớn từ các lực lượng này. Theo ông Võ Trường Thành, sau khi các thành phần "giang hồ" biết đây là rừng của Công ty Trường Thành và hành vi khai thác tại khu vực này là trái phép, họ đã quay lại truy tìm ông Nam để xử lý. Hiện ông Nam đã nhận tiền từ ông Nguyễn Văn Minh (250 triệu đồng) nhưng chắc chắn không thể thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần. Những người này đã cho ông Võ Trường Thành biết được "chi phí" rất lớn của họ trong việc huy động người trong suốt thời gian ông Nam "thuê" họ vào khu rừng này để khai thác và "bảo kê" mà phía ông Nam phải trả. Chính vì vậy, những ngày qua ông Phạm Ngọc Quý và những lực lượng chức năng vẫn "chưa" thể tìm gặp được ông Nam.
   
   
Công an tỉnh tiếp tục điều tra
   
  Ông Lương Ngọc Lếp (Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết: "Ngày 17/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có thông báo ngày kết luận đơn vị chủ diện tích rừng và quyền khai thác là của Công ty Trường Thành, mọi hành vi khai thác của các đơn vị, cá nhân khác là vi phạm pháp luật. Nhưng vào thời điểm trước khi có thông báo này, Công ty Tân Phát đã khai thác một số diện tích rừng của Công ty Trường Thành. Chúng tôi đang tiến hành điều tra, làm rõ hành vi này là cố ý hay không"?.
   
  Ông Lếp cũng khẳng định, việc Công ty Tân Phát tự ý sang nhượng cổ phần cho một đơn vị khác trong lúc đang xảy ra tranh chấp là hoàn toàn sai quy định. Công ty Tân Phát cần phải giải quyết vấn đề này để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. "Công ty Tân Phát cũng đã gửi danh sách 20 cá nhân trong đoàn giám sát việc khai thác của Công ty Trường Thành đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông. Nhưng theo phản ánh của Công ty Trường Thành, một số người trong danh sách đó là "giang hồ" và đã từng uy hiếp, đánh đập cán bộ, nhân viên của công ty thì chúng tôi đang điều tra và sẽ xử lý hành chính vấn đề này. Từ thời điểm đó đến nay, các đối tượng này chưa có hành động gì làm ảnh hưởng đến việc khai thác của công ty, an ninh trật tự trong địa bàn vẫn ổn định. Nhưng chúng tôi đã giao cho các lực lượng chức năng huyện Đắk Glong thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết không để những hành động đáng tiếc có thể xảy ra", ông Lếp cho biết thêm.
   
        
Kiểm lâm, công an huyện chưa biết rừng của ai?
        
Tại buổi làm việc với PV Báo TN&MT ngày 20/5, cả ông Bùi Văn Duyên (Phó Trưởng Công an huyện Đắk G’long) và ông Vũ Hữu Du (kiểm lâm địa bàn xã Quảng Khê của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long) đều nói rằng vào ngày 24/3 đã thả xe gỗ và tang vật khai thác rừng trái phép của ông Đặng Ngọc Quý vì chưa biết rừng đó ai sở hữu? Trong lúc đó, ông Du còn nói hiện chưa biết rừng này (hơn 300ha rừng trồng của Công ty Trường Thành ở xã Quảng Khê – PV) của ai vì “đang tranh chấp”?. Ngoài ra, họ bảo rằng còn nhận được “điện mật” của Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông  - Thiếu tướng Võ Văn Đủ chỉ đạo ngăn cản việc khai thác rừng của Công ty Trường Thành(?).
        
Vì thế, ông Đàm Quang Trung (Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long) đã phải chấn chỉnh ông Duyên và ông Du ngay tại buổi làm việc với PV. Theo ông Trung, sở dĩ đã “xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua trên địa bàn huyện” do anh em kiểm lâm, công an xử lý công việc “không quyết đoán, sáng tạo và khôn khéo” chứ không phải “họ bao che cho ai cả”?.
        
    
   
  Bài & ảnh: Văn Trần – Lê Phước
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin tiếp vụ Công ty Tân Phát thuê giang hồ chặt phá rừng trồng ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO