Thông tin tiếp về bão lũ ở Hải Phòng: Nước ngập nhiều nơi, bố trí xe thiết giáp, tàu cứu hộ ứng phó với bão

24/06/2013 00:00

Trong đó có 625 tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Mắt Rồng, số còn lại neo đậu tại các khu vực cống Sơn, bến cống Cả, cống Đông Xuân, Bạch Long Vỹ và Cát Bà, quận Đồ Sơn, tỉnh Quảng Ninh... Tại các xã Lập Lễ, Phả Lễ, Thủy Triều, An Lư, Tân Dương, Lâm Động, Hoàng Động... có 666 hộ dân với 2.787 nhân khẩu triển khai phương án di dân tránh trú bão đến nơi an toàn, sơ tán tại chỗ 300 hộ với gần 1.300 nhân khẩu. Đặc biệt, huyện tập trung chú trọng phòng hộ những đoạn đê xung yếu như: đoạn K29,97-K31,482 tuyến ngoài đê sông Cấm, thuộc các xã An Lư, Trung Hà, Thủy Triều, Lập Lễ; khu vực cống Trà Tre, xã An Sơn, cống Vẹt Khê, xã Phù Ninh thuộc đê tả sông Cấm; các cống Hai Giỏ, cống Cá 1,2, cống ông Lệ, ông Thám cũng bị rò nước và xuống cấp nghiêm trọng.

Còn tại huyện Vĩnh Bảo và Kiến Thụy, công tác chỗng lũ, chống bão cơ bản được chuẩn bị. Các lực lượng được huy động. Máy bơm và cống thoát được sử dụng linh hoạt nhằm hạ thấp mực nước đệm trên các hệ thống thủy nông bên trong các đồng ruộng. Liên tục tuần tra các vị trí đê điều xung yếu. Tại khu vực cống 1, thuộc đê tả sông Hóa, vùng sản xuất ớt tập trung của xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) bà con nông dân mới thu hoạch xong mùa ớt chín (đợt 1) còn khoảng hơn 30 ha ớt(lần 2) sắp cho thu hoạch có nguy cơ mất trắng do úng ngập, quả sẽ bị chín ép và có khả năng thối.

 

Sóng biển dâng cao ở Cát Hải.

 

Tại Đồ Sơn, công tác phòng chống lụt bão cũng khẩn trương, ở khu vực ngập lụt khu 1 Đồ Sơn, các khu vực xung yếu tại khu du lịch và hệ thống đê kè trên địa bàn quận đang được theo dõi sát. Sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng cứu đê biển, kè bờ; hỗ trợ các hộ dân khi có sự cố, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Mưa lớn công với gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 tại đảo Bạch Long Vỹ. Tại các khu vực ven biển  Đồ Sơn, Cát Hải mực nước dâng cao, bão hợp với triều cường đã đẩy sóng lên cao khoảng 4 m. Tại đảo Cát Hải sóng biển đánh tràn qua mặt đê khiến cho nước tràn vào thị trấn Cát Hải gây lụt nghiêm trọng. Huyện Cát Hải tổ chức di chuyển khẩn cấp gần 2000 người lên vị trí cao. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Minh, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: tính đến chiều 23-6, toàn bộ khu 1 Đồ Sơn bị ngập lụt, nước tràn vào các khu vực dân cư thuộc phường Vạn Sơn, một phần phường Ngọc Hải và Ngọc Xuyên. Khu trung tâm hành chính quận Đồ Sơn cũng bị nước tràn qua, gây ngập lụt cục bộ. Nguyên nhân do sóng, gió lớn kết hợp triều cường hơn 3,5m khiến nước tràn qua đê khu 1 Đồ Sơn có đoạn nước ngập sâu  tới gần 1m khiến mọi sinh hoạt của người dân và giao thông bị đình trệ. Một số đoạn kè ở khu vực 295 bị sạt lở; diện tích nuôi trồng thủy sản do nước mặn tràn vào bị. Đến 18 giờ ngày 23-6,  nước rút dần. 100 chiến sĩ Trung đoàn 50 tập trung ở phường Ngọc Hải để sẵn sàng giúp dân, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục khi có sự cố. Các phòng, ban, đơn vị, các phường tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các biện pháp chủ động phòng, chống cơn bão số 2.

 

 

Nước vượt đê, tràn vào đất liền khiến nhiều hộ dân lo lắng.


Còn ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: toàn bộ thị trấn Cát Hải, các xã Văn Phong, Hoàng Châu, Văn Chấn bị ngập trong nước biển, có điểm nước ngập hơn 1m do sóng lớn, kết hợp triều cường, toàn bộ hệ thống đê Cát Hải bị tràn, nhiều chỗ sạt lở nghiêm trọng. Huyện Cát Hải bố trí, huy động các lực lượng dân quân, công an, bộ đội và nhân dân kịp thời gia cố, hàn đê. Hơn 600 hộ dân với khoảng 2.000 người được sơ tán đến những địa điểm an toàn. Huyện chỉ đạo các lực lượng kiên quyết không để người già, trẻ em, phụ nữ và những người không có trách nhiệm ở lại khu vực ngập lụt, nguy hiểm; không để ngư dân ở lại các chòi canh nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản và tính mạng người dân.

Còn tại trung tâm TP Hải Phòng, tính đến chiều nay(23-6), nước triều cường các sông lên cao, cùng với nước biển dâng trên 4,3m, nhiều tuyến đường tiếp giáp với các sông Lạch Tray, Cấm, Tam Bạc mặc dù chưa bị ảnh hưởng của nước mưa nhưng đã ngập sâu. Đặc biệt là các tuyến đường thuộc quận Hồng Bàng như đường bờ sông Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt, Ký Con…, đường Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân), đường Ngô Quyền (quận Ngô Quyền). Để  nhanh chóng tiêu thoát nước do mưa bão gây ra, công ty bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các trạm bơm Máy Đèn và Vĩnh Niệm cũng như các cửa xả chủ động bơm nước. Lực lượng vận hành các trạm bơm kiểm tra hoạt động các cánh phai, van 1 chiều trước khi mưa bão bảo đảm khả năng tiêu thoát nước của các tuyến đường, khu dân cư trong lưu vực; tiến hành thu dọn rau bèo vật cản bảo đảm cho việc tiêu thoát nước của các mương hồ điều hòa, đặc biệt chú trọng vớt rác tại các hầm bơm tránh tình trạng tắc, gây cản trở việc vận hành các trạm bơm, đồng thời, đóng thêm các bao cát để sẵn sàng phương án khi các cửa cống gặp sự cố.

Ở khu vực huyện An Dương, nước triều cường dâng cao, tràn bờ toàn bộ tuyến đê tả Lạch Tray, dài hơn 1 km tại xã An Đồng (huyện An Dương) khiến một số khu vực dân cư bị ngập lụt. Đặc biệt, nước dâng cao kết hợp với sóng nam trước bão đã làm tràn nước vào công trình cống Luồn, cống tiêu thoát nước chính của hệ thống thủy lợi An Kim Hải. Theo ông Trần Quang Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình An Hải, huyện An Dương huy động lực lượng xung kích PCLB hơn 200 người và các phương tiện để ứng cứu kịp thời. Đến 18 giờ cùng ngày, mực nước tràn bờ tại khu vực cống Luồn hạ dần, bảo đảm an toàn công trình. Các lực lượng trực 24/ 24 giờ tại khu vực này để sẵn sàng ứng phó.

 

 

Nước tràn vào nhà các hộ dân ở Đồ Sơn.


Trong báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng nêu rõ, sở này đã chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ các khu đầm nuôi thủy sản. Sở Giao thông Vận tải triển khai các phương án bảo đảm giao thông đường bộ, các tuyến phà biển. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng biển quản lý, bảo vệ an toàn cầu vượt sông, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải…

Còn trách nhiệm của Sở Công Thương cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm cấp phát cho nhân dân khi bão đổ bộ vào. Công ty Điện lực bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện. Các địa phương hoành triệt 55 cống xung yếu, 8 cửa khẩu qua đê. Huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn chỉ đạo tất cả tàu du lịch dừng chở khách, về bến neo đậu an toàn. Các vùng ven sông, ven biển sẵn sàng phương án di chuyển một số hộ dân sinh sống ngoài đê, các hộ nuôi trồng thủy sản vào trong đê. Tại huyện Bạch Long Vỹ, 101 phương tiện với 689 người vào âu cảng, 410 phương tiện trở về đất liền, 255 phương tiện nhỏ được đưa lên bờ. Huyện bố trí 70 người, 2 xe cẩu, cần cẩu phục vụ kéo chuyển tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão; yêu cầu 11 hộ dân khu 32 gian làng cá đã chằng chống nhà cửa, di chuyển tránh bão…

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố, đến cuối ngày 23-6, toàn bộ 3365 phương tiện hoạt động trên vùng biển Hải Phòng đã về nơi trú tránh bão. Tàu cá Nghệ An số hiệu 93704 NA trên đường di chuyển từ Bạch Long Vỹ đến Cát Bà đề nghị được hỗ trợ cũng đã vào neo đậu trú tránh bão tại vịnh Cát Bà. Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia PCLB- TKCN với số người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, PCLB- TKCN 36.925 người. Trong đó, lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và huy động là 7.335 người; 328 xe ôtô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp. Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và huy động: 225 người; 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ôtô các loại. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 bố trí tàu SAR 411 ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Bài & ảnh: Hà Thúy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin tiếp về bão lũ ở Hải Phòng: Nước ngập nhiều nơi, bố trí xe thiết giáp, tàu cứu hộ ứng phó với bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO