Thông tin thêm về ca viêm não mô cầu đầu tiên tại Đắk Lắk

11/03/2016 00:00

  (TN&MT) - Chiều 11/3, ông Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, bé trai đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk...

 

(TN&MT) - Chiều 11/3, ông Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, bé trai đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não mô cầu (còn gọi là viêm màng não mô cầu).

Cháu Ph. đang được cách ly điều trị và theo dõi đặc biệt tại BVĐK Đắk Lắk.
Cháu Ph. đang được cách ly điều trị và theo dõi đặc biệt tại BVĐK Đắk Lắk.

Ca đầu tiên tại tỉnh

Trước đó, vào đêm 7/3, thấy bé trai L.A.Ph. (5 tháng tuổi, ở thôn 4, xã Cư San, huyện M’Đrắk) có biểu hiện sốt cao sau đó nổi vết đỏ ở bụng rồi lan dần toàn thân, người nhà đã đưa cháu đến Trạm y tế xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Sáng 8/3, bé Ph. bỏ bú và khó thở, phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông cấp cứu rồi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk điều trị.

Theo bác sĩ Lê Đình Nhân - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh Đắk Lắk), bé Ph. nhập viện trong tình trạng sốt li bì, toàn thân xuất hiện nhiều vết tử ban (xuất huyết), có hiện tượng co giật, phổi bị tổn thương, khó thở… Sau khi nhập viện, bé được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do viêm não mô cầu, được cho thở oxy, dùng kháng sinh đặc trị, tiến hành cách ly, theo dõi đặc biệt. Những người tiếp xúc với bệnh nhân và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân cũng được uống thuốc kháng sinh.

Ngay sau đó, BVĐK tỉnh đã gửi mẫu xét nghiệm lên Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm sáng 9/3 cho thấy, cháu Ph. Dương tính với vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên bệnh viêm não mô cầu. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, đây là trường hợp đầu tiên từ xưa tới nay được phát hiện tại Đắk Lắk.

Chủ động cách ly, phòng bệnh

Theo ông Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, bệnh viêm não mô cầu là bệnh rất nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong cao, dễ lây lan thành dịch. Sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống bệnh và được phê duyệt. Sở cũng có chỉ thị cho các đơn vị có liên quan tìm hiểu, tập huấn và chủ động các phương án phòng chống khi phát hiện bệnh. Chính vì vậy, khi phát hiện có bệnh, các đơn vị đã có phương án, kế hoạch xử lý linh động, kịp thời.

Theo đó, ngay khi bệnh nhân được chuẩn đoán viêm não mô cầu sáng 8/3, Trung tâm Y tế dự phòng đã xuống khu vực xuất hiện bệnh để tiến hành khoanh vùng, cách ly và tổ chức phòng bệnh. Cụ thể, đã có 104 hộ (504 khẩu) ở thôn 4 (xã Cư San), 5 hộ (26 nhân khẩu) ở xã Cư Đrăm và 18 cán bộ y tế (nơi bệnh nhân đi qua, điều trị) được uống thuốc phòng bệnh và theo dõi trong 24 ngày. Tất cả các khu vực có thể phát sinh bệnh tại địa phương và các phòng, khoa ở Bệnh viện Đa khoa Krông Bông đều được phun thuốc chống nhiễm khuẩn. Trung tâm cũng phối hợp với địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh, hướng dẫn người dân hạn chế đi lại và các biện pháp vệ sinh để phòng bệnh. Riêng nơi cháu đang điều trị, phòng bệnh cũng được cách ly và theo dõi hoàn toàn đặc biệt.

Cũng theo ông Lào, sau khi nắm được thông tin, Sở Y tế đã có thông báo trên địa bàn có bệnh và chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan tham gia phòng chống bệnh.

“Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis (thường sống trong hầu họng người) gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể rơi vào sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ tử vong rất cao hoặc gây tỷ lệ di chứng nặng nề. Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi của bệnh nhân. Những trường hợp cấp tính bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Để phòng bệnh, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, chủ động tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị” - ông Phạm Văn Lào cho hay.

 

Bài & ảnh: Lê Phước

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin thêm về ca viêm não mô cầu đầu tiên tại Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO