Thông tin KTTV: Đầu vào quan trọng của các hoạt động kinh tế - xã hội

Lan Chi - Mai Đan - Nguyễn Quỳnh - Hoài Thu (lược ghi)| 23/03/2023 06:48

(TN&MT) - Nắm bắt thông tin KTTV giúp con người chủ động hơn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện đảm bảo để quá trình phát triển hạn chế được các rủi ro từ thời tiết, khí hậu. Vì vậy, thông tin KTTV được đánh giá là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thời tiết, khí hậu và nước có mối quan hệ tác động lẫn nhau

Thời tiết, khí hậu và nước có mối quan hệ chặt chẽ và tương tác lẫn nhau. Thời tiết đề cập đến trạng thái hiện tại của khí quyển tại một địa điểm và ở một thời điểm nhất định. Nó bao gồm các điều kiện ngắn hạn như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, tốc độ và hướng gió, áp suất khí quyển… Thời tiết thay đổi liên tục và có thể rất khác nhau từ ngày này sang ngày khác, từ mùa này sang mùa khác và từ địa điểm này sang địa điểm khác.

8-9-5-.jpg

Ngành KTTV đang thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển, hiện đại hóa hệ thống trạm KTTV

Khí hậu, ngược lại, đề cập đến các mô hình và xu hướng thời tiết dài hạn ở một khu vực cụ thể. Nó được xác định bởi các yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa, lượng bốc hơi, gió, bức xạ… trong những khoảng thời gian hàng thập kỷ. Khí hậu ảnh hưởng đến sự phân bố của các loại thực vật, động vật hoang dã và những hoạt động của con người có thể xảy ra trong một khu vực nhất định.

Nước là yếu tố quan trọng trong cả hai đặc trưng thời tiết và khí hậu. Nước đóng vai trò quan trọng thông qua các chu kỳ tuần hoàn nước trong khí quyển, bao gồm sự bốc hơi của nước từ bề mặt, sự vận chuyển của nước trong khí quyển và quay trở lại bề mặt (đất/nước) dưới dạng mưa, tuyết hoặc mưa đá. Số lượng và phân bố của lượng mưa là một yếu tố quan trọng trong việc xác định các mô hình thời tiết và khí hậu.

BĐKH có ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước và chất lượng nước, gây ra tác động đáng kể đến hệ thống tự nhiên và con người. Nhiệt độ tăng có thể dẫn đến lượng bốc hơi tăng, làm khô đất và cạn kiệt các nguồn nước, trong khi thay đổi các trị số về lượng mưa có thể gây ra lũ lụt hoặc hạn hán. Nhìn chung, thời tiết, khí hậu và nước có mối quan hệ gần gũi và tác động lẫn nhau một cách phức tạp.

Thông tin KTTV góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Trao đổi về chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023, PGS. TS. Vũ Văn Tuấn - chuyên gia về thủy văn - tài nguyên nước cho rằng, chủ đề đã đề cập đến mối quan hệ chặt chẽ giữa thời tiết, khí hậu và nước. Cụ thể, chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 “The Future of Weather, Climate and Water across Generations - Thời tiết, khí hậu và nước - Tương lai qua các thế hệ” và chủ đề hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2023 do Việt Nam đề ra là "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau".

Theo chuyên gia, việc ứng phó với BĐKH toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam ngoài việc chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với BĐKH. Các dự báo không còn dừng ở thông tin về các đặc trưng KTTV thuần túy mà cần lưu ý nhiều hơn tới dự báo tác động - đưa ra thông báo cho công chúng về những gì mà điều kiện KTTV sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Bên cạnh việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc là nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại và chắc chắn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành KTTV của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai. Thông tin cảnh báo KTTV phải thực sự được sử dụng có hiệu quả cho các hành động nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia. Ngành KTTV nước ta đang hướng tới các sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng đa dạng, xây dựng hệ thống dự báo tác động nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế - xã hội.

Kỳ vọng và trách nhiệm

PGS. TS. Vũ Văn Tuấn - chuyên gia về thủy văn - tài nguyên nước (nguyên Phó Viện trưởng Viện KTTV):

Kỳ vọng về sự phát triển KTTV trong tương lai

8-9-1-.jpg

Trong tương lai, ngành KTTV sẽ phát triển rất mạnh và đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo thời tiết, khí hậu và sử dụng tài nguyên nước.

Dự báo thời tiết sẽ chính xác hơn nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với những tập con/chuyên ngành của nó như Học máy, Học sâu… để phân tích dữ liệu KTTV và dự báo thời tiết chính xác hơn thông qua các mô hình số trị toàn diện với việc xử lý các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp (BD - Big Data)…

Các công nghệ cảm biến và phương pháp viễn thám ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong khoa học KTTV. Các nhà khoa học KTTV sẽ phát triển các thiết bị cảm biến thông minh để thu thập dữ liệu thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước nhanh chóng và chính xác hơn. Đồng thời, sử dụng các công nghệ tiên tiến như Internet Vạn vật (IoT) và mạng lưới 5G để thu thập và chia sẻ dữ liệu KTTV trực tuyến. Điều này giúp giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra, phục vụ tốt hơn cho các ngành kinh tế cần sử dụng dữ liệu KTTV.

Các hình thái BĐKH tiếp tục được nghiên cứu; nghiên cứu và phát triển các phương pháp dự báo mới, bao gồm cả dự báo các hiện tượng mang tính địa phương như dông, tố, lốc, vòi rồng… và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Các dự báo hạn vừa và hạn dài sẽ được tăng cường độ chính xác và thời hạn dự báo. Kết quả dự báo hạn dài trong lĩnh vực thủy văn và tài nguyên nước sẽ góp phần đáng kể cho việc điều chỉnh những chính sách phát triển kinh tế trong phạm vi từng vùng, từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.

KTTV là lĩnh vực khoa học mang tính quốc tế bởi vì không có ranh giới nào cho các khối không khí hoạt động và các dòng chảy liên quốc gia, vì thế, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong việc chia sẻ dữ liệu và kết quả nghiên cứu là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn và giảm thiểu thiệt hại do các thảm họa tự nhiên.

Nguyễn Hoàng Thiện - sinh viên Khoa KTTV&BĐKH - Trường Đại học TN&MT TP.HCM:

Mong muốn ngành KTTV bắt kịp các nước tiên tiến trên thế giới

8-9-3-.jpg

Quá trình học tập tại Trường Đại học TN&MT TP.HCM, ngoài những giờ lên lớp, sinh viên Khoa KTTV&BĐKH còn được đi tham quan thực tế tại nhà máy thủy điện Trị An, các trạm KTTV, các Đài KTTV của các tỉnh; được đi thực tập đo đạc tại trạm thủy văn để hiểu rõ hơn về công việc của một quan trắc viên thủy văn. Tất cả những điều đó thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với sinh viên ngành thủy văn, mỗi chuyến đi chính là nguồn kiến thức bổ ích để sinh viên hiểu rõ về ngành nghề mà mình đang theo đuổi.

Tôi nhận thấy đây là nghề nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt những năm gần đây, thời tiết ngày càng có sự dị thường, khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng ngành KTTV đóng một vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội, thông tin KTTV giúp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho mọi người trước thiên tai; phục vụ các ngành kinh tế (Nông nghiệp, Công nghiệp, Du lịch…) và cả đời sống xã hội hằng ngày.

Theo tôi, trong thời đại phát triển của công nghệ 4.0 như hiện nay, ngành KTTV sẽ ngày càng thu hút được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm theo học. Bản thân tôi luôn kỳ vọng ngành KTTV sẽ phát triển hơn nữa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm khu vực và bắt kịp xu hướng hiện đại hóa của các nước tiên tiến trên thế giới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguyễn Thị Lan Anh - sinh viên Khoa KTTV, Trường Đại học TN&MT Hà Nội:

Sinh viên Khoa KTTV phải rèn cho mình phẩm chất của người KTTV

8-9-2-.jpg

Những năm qua, tác động từ thiên tai nghiêm trọng đã cản trở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng vùng, miền, địa phương nói riêng; ảnh hưởng đặc biệt tới mục tiêu giảm nghèo và cơ hội được học tập, phát triển cũng như tạo công việc ổn định cho người dân… Là sinh viên ngành KTTV, chúng tôi mong muốn được đóng góp trí tuệ, công sức cho xã hội bằng những việc làm cụ thể như thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền về tác hại của BĐKH, đưa ra những giải pháp khắc phục hậu quả mà thiên tai và BĐKH gây ra. Đồng thời, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, trồng nhiều cây xanh, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, hạn chế sử dụng túi ni lông…

Quá trình học tập tại Khoa KTTV, Trường Đại học TN&MT, tôi hiểu rõ ngành KTTV cần phải có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh học tập kiến thức chuyên ngành, tôi mong muốn được mở mang kiến thức trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để thu nạp những kiến thức tiên tiến của thế giới thông qua các chương trình học tập, trao đổi, giao lưu, nghe các chuyên gia nước ngoài nói chuyện, giảng dạy… Để tiếp thu một cách có hiệu quả, sinh viên chúng tôi phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức cơ bản, chuyên ngành về KTTV; trang bị ngoại ngữ và khả năng làm chủ công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ cao ứng dụng trong ngành KTTV để có thể tiếp thu những kiến thức hiện đại, tiên tiến một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, KTTV là một ngành đặc thù, vì vậy, nhất thiết mỗi sinh viên phải rèn cho mình các phẩm chất vốn có của người KTTV để đủ sức trụ vững trong mọi điều kiện thời tiết và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin KTTV: Đầu vào quan trọng của các hoạt động kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO