Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, phát biểu kết luận tại Hội thảo. |
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các cán bộ lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL, các Bộ, ngành; các nhà khoa học thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu; các đối tác quốc tế thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề nóng này.
Đặc biệt, các nhà khoa học đầu đàn trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường của vùng ĐBSCL như GS. Nguyễn Ngọc Trân, GS. Võ Tòng Xuân cùng với PGS. Gerado van Halsema chuyên gia của đối tác Hà Lan đều thống nhất đề xuất cần thiết phải xây dựng chiến lược tích trữ nguồn nước để phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Giải pháp cụ thể là chú trọng tái lập các vùng trữ nước tự nhiên như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và trữ nước phân tán trong cộng đồng để có thể giữ nguồn nước trong mùa mưa, đáp ứng nhu cầu cung ứng cho mùa kiệt. Việc trữ nước phải được tiến hành gắn liền với sinh kế cho người dân. Theo đó, cần dừng việc xây dựng đê bao mới, cải tạo hệ thống đê bao đã xây dựng cho nước lũ tràn đồng và thay đổi mô hình canh tác phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn thay thế lúa vụ 3.
Thảo luận cấp cao về các quyết định liên kết vùng giữa cán bộ lãnh đạo các tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. |
Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đã thảo luận, thống nhất việc tiến hành triển khai mô hình liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Thực hiện 7 vấn đề trọng tâm cơ bản để cải thiện điều kiện trữ nước, bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước tiểu vùng Đồng Tháp Mười cùng với các biện pháp thay đổi về sinh kế phù hợp, theo hướng hiệu quả kinh tế cao hơn gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời kiến nghị đưa mô hình liên kết tiểu vùng này vào lộ trình triển khai thực hiện cơ chế liên kết vùng ĐBSCL theo Quyết định 593/QĐ-TTg về liên kết vùng ĐBSCL để nhân rộng cho các tiểu vùng như Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Duyên Hải và tiểu vùng trung tâm giữa sông Tiền, sông Hậu.
Những luận điểm và mô hình có tính chiến lược cơ bản này đã được trưng cầu quan điểm thể hiện sự đồng thuận cao của toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sáng kiến đưa ra trong Hội thảo, đó là xây dựng định hướng cho một chiến Chiến lược giữ nước cho vùng ĐBSCL trong tương lai, dựa trên nền tảng đặc thù địa lý tự nhiên của vùng và các phương pháp trữ nước truyền thống từ bao đời nay.
Chiến lược này có thể được xem xét như một công cụ hữu ích để hỗ trợ giữ nước, giữ lũ ở vùng ĐBSCL với 3 mục tiêu hàng đầu: Một là, tăng cường tính chống chịu của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và có tính đến tác động của việc phát triển vùng thượng nguồn. Hai là, hỗ trợ cải thiện thu nhập của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên việc áp dụng những giải pháp sinh kế thay thế dựa trên giữ nước, phù hợp với điều kiện địa phương và đảm bảo hiệu quả kinh tế. Ba là, hỗ trợ tăng cường năng lực kiểm soát xâm nhập mặn ở vùng giữa của đồng bằng.
Toàn thể Hội thảo thể hiện quan điểm về từng thành tố thiết yếu của chiến lược. |
Hội thảo này là bước khởi đầu cho việc trao đổi, thảo luận sâu hơn giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng quốc tế tiến tới hình thành phương pháp tiếp cận tổng thể nhằm xây dựng Chiến lược giữ nước trong thời gian tới. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí và tin tưởng rằng, định hướng giải pháp giữ nước mà Hội thảo đưa ra dựa trên những kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu sâu sắc về điều kiện nội tại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, những định hướng này mang tính thực tiễn cao hiện nay, bao gồm: Thứ nhất, tập trung bảo vệ khu vực trữ nước hiện tại, ví dụ như vùng Đồng Tháp Mười - cơ may cuối cùng cho trữ nước, cứu mặn cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô. Thứ hai, khôi phục các khu vực trữ nước đã bị mất. Thứ ba, xem xét thiết lập khả năng trữ nước tự nhiên bằng các giải pháp công trình”.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cho biết sau Hội thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để đề xuất các hành động cụ thể. Trong đó, có việc phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương đã thống nhất và đang triển khai mô hình liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Hùng Long