Thời tiết khắc nghiệt vẫn tiếp diễn
(TN&MT) - Mùa hè với những hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn đang diễn ra. Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận và thời tiết gây tác động lớn đang tiếp tục cho đến tháng 8/2023.
Ông Alvaro Silva, chuyên gia về khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: “Diễn biến thời tiết như trên là điều bình thường mới và không có gì đáng ngạc nhiên. Tần suất và cường độ của nhiều hiện tượng cực đoan, như sóng nhiệt và mưa lớn, đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Nhiều người cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra từ khí thải nhà kính là tác nhân chính”.
Nắng nóng bao trùm châu Âu
Một số cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia ở châu Âu bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan, Croatia, Italy, Hy Lạp, Hungary, Áo, Litva đã đưa ra cảnh báo nắng nóng vừa phải và nghiêm trọng trong tuần thứ 3 của tháng 8. WMO nhấn mạnh tất cả mọi người cần tuân thủ các cảnh báo từ các cơ quan khí tượng và thủy văn quốc gia để giữ an toàn.
Cơ quan Khí tượng Thụy Sĩ đã ban hành cảnh báo khẩn "Amber" cấp 3 trên hầu khắp cả nước, với nhiệt độ ban ngày tối đa từ 33 đến 35°C và nhiệt độ cao vào ban đêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận kỷ lục nhiệt độ quốc gia mới là 49,5°C vào ngày 15/8, đánh bại kỷ lục trước đó là 49,1°C vào tháng 7/2021. Nhiều khu vực ở Trung Đông cũng xác nhận nhiệt độ trên 50°C.
Tây Ban Nha, bao gồm Quần đảo Canary và Bồ Đào Nha cũng trải qua nắng nóng khắc nghiệt, gây nguy cơ hỏa hoạn cực kỳ nghiêm trọng. Tính đến ngày 17/8, cháy rừng ở Tenerife tiếp tục ngoài tầm kiểm soát, với hơn 2.600 ha diện tích bị thiêu rụi và người dân tại một số khu vực phải sơ tán. Tình trạng khô ráo, nhiệt độ tối đa trên 30°C, nhiệt độ ban đêm trên 20°C, gió giật cực đại trên 50 km/h vào ngày 16 và 17/8 tại một số trạm thời tiết Tenerife.
Thời tiết diễn biến phức tạp ở châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ
Tại châu Phi, Cơ quan Khí tượng Ma-rốc ngày 13/8 cho biết mức nhiệt 50,4°C đã được ghi nhận vào ngày 11/8 tại trạm khí tượng ở thành phố Agadir, ven biển phía Nam nước này.
Tại châu Á, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho hay quốc gia này cũng đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng kéo dài, phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó, đồng thời đưa ra cảnh báo về mưa to và lũ lụt liên quan đến bão.
Mùa cháy rừng kỷ lục ở Canada vẫn tiếp diễn. Tính đến ngày 17/8, hơn 600 đám cháy rừng đã vượt khỏi tầm kiểm soát ở đất nước này. Tổng cộng có hơn 1.000 đám cháy đang hoạt động, trong đó có 265 đám cháy ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc gần Vòng Bắc Cực. Các nhà chức trách đã ban hành lệnh sơ tán cho thị trấn Yellowknife.
Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada đã ban hành cảnh báo nắng nóng ở miền Tây Canada và cảnh báo chất lượng không khí xấu trên diện rộng. Nước này ghi nhận một số kỷ lục nhiệt độ hàng ngày, chẳng hạn như ở Lytton, kỷ lục nhiệt độ mới của tháng 8 là 42,2°C vào ngày 15/8. Kỷ lục trước đó là 40,6°C được thiết lập vào năm 1967 và các kỷ lục ở khu vực này đã được lưu giữ từ năm 1921.
Tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết nắng nóng gay gắt xuất hiện ở vùng Plains vào ngày 18/8 và tiếp tục mở rộng vào cuối tuần qua và đầu tuần này đến phần lớn miền Trung và Đông Nam nước Mỹ, với dự báo nhiệt độ tối đa vào khoảng 38°C ở nhiều nơi và nhiều kỷ lục nhiệt độ hàng ngày.
Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, ngày 18/8, bão Hilary đã mạnh lên thành bão cấp 4, sức gió duy trì tối đa đã tăng lên khoảng 220 km/h, với gió giật mạnh hơn. Cường độ bão sẽ tăng cường trước khi bắt đầu suy yếu.