Thói quen đổ lỗi

Ngọc Lý| 10/12/2019 13:42

(TN&MT) - Đến hôm nay, khi những ngày cuối của năm 2019 đang đi qua, hẳn người dân Thủ đô vẫn chưa quên vụ việc nước sông Đà nhiễm bẩn khiến cả hàng vạn dân Thủ đô khốn khổ. Nhưng quy trách nhiệm ra sao, thế nào, vẫn không chỉ rõ được trách nhiệm quản lý thuộc về ai?!

Dường như, một phản xạ rất dễ nhận ra là khi một vụ việc nào đó xảy ra, người ta tìm ngay và chỉ ngay “lỗi kỹ thuật”, lỗi thi công, chất lượng nguyên liệu… và quên bẵng trách nhiệm của bên quản lý, điều hành.

Một dự án trước khi đi vào thi công phải trải qua một quy trình thẩm định, xét duyệt rất kỹ càng. Và để qua mỗi tầng nấc như thế, có đầy đủ các cơ quan, ban bệ.    

Thế nhưng, sau khi dự án đi vào vận hành, để xảy ra sự cố người ta lại tìm cách chống chế rằng, mình không liên quan đến thứ tội lỗi đó, phủi tay nhẹ nhàng.

Ảnh minh họa

Nước sông Đà nhiễm bẩn mới chỉ là một vụ việc. Có những việc rõ mười mươi, giữa thanh thiên bạch nhật, mà cứ mỗi bên nói một khác và người nào cũng chỉ biết có lý lẽ của mình. Người mắc tội bị bắt quả tang, vẫn cứ tìm cách chống chế luồn lách chối lỗi, làm như mình không có liên quan gì đến thứ tội lỗi đó, chẳng biết thế nào là đúng sai nữa.

Tranh cãi nối tiếp tranh cãi. Ai cũng sẵn sàng bẻ quẹo sự thực, cốt sao bản thân có lợi. Thế nên, câu chuyện cải tạo, làm sạch nước sông Tô Lịch những ngày qua, các cơ quan quản lý chẳng chỉ được đúng sai, khi mà dư luận dường như đã “thấu tỏ”.

Sự việc đã quá rõ ràng, nhưng chẳng ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm.

Ngẫm kỹ lại thấy, không phải ngẫu nhiên mà sau rất nhiều vụ việc, sau bao cuộc thanh kiểm tra, rất nhiều vụ việc tai tiếng vẫn “lọt cửa”, “qua mắt” bao cơ quan thẩm tra, xem xét?! Mỗi nơi thoái một phần trách nhiệm, cộng hưởng của nhiều tầng nấc sẽ thành mối nguy hại, trở thành thói vô trách nhiệm.

Cho dù tiến trình cải cách của chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, thế nhưng đến nay, còn không ít trở lực khiến cho cho tiến trình cải cách không đạt được kết quả như mong muốn. Các “nút cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ… dù nói quá nhiều nhưng vẫn chưa thực sự được giải tỏa, thông đường để việc của doanh nghiệp chạy, mà khỏi cần “bôi trơn”.

Có người bảo, bây giờ, mổ xẻ hàng trăm dự án bất động sản của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… chắc sẽ có nhiều phát hiện đau lòng. Nhưng sự đã rồi, mọi thứ đều vẫn diễn ra bình thường, không thấy ai phải chịu trách nhiệm cụ thể?!”… Những dự án được thực hiện vẫn cứ thực hiện. Những dự án bị “để mắt”, cũng cứ tìm cách để triển khai. Bằng chứng là người ta vẫn cứ rao bán đất của nông dân ầm ầm trên các phương tiện truyền thông. Cuối cùng, chỉ có bà con sở tại là thấp thỏm trên chính mảnh đất nguồn cội của mình.

Rõ ràng, tâm lý ”cục bộ” đã và đang là rào cản không nhỏ trong những nỗ lực làm minh bạch hệ thống hành chính Nhà nước. Đã đến lúc cần thay cơ chế “lãnh đạo tập thể” bằng cơ chế giao việc cụ thể cho đầu mối chịu trách nhiệm, các cơ quan khác chỉ là cơ quan tư vấn, những ý kiến đóng góp chỉ có giá trị tham khảo. Cơ quan đầu mối sẽ là người có ý kiến quyết định và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Nếu không giải quyết được những xung đột trong cơ chế "lãnh đạo tập thể" như thế, sẽ dẫn đến văn bản vừa ban hành đã phải sửa mà chẳng ai chịu trách nhiệm, cơ hội đầu tư ngay trước mắt, ai cũng dửng dưng.

Cứ xem kỹ, nghĩ hết sẽ thấy, rồi mọi việc vẫn theo một nếp cũ đầy nguy hại. Đó cũng là nơi để những mưu toan, những áp đặt, những dối lừa... lại tiếp tục trong bóng tối! Và bánh xích xe ủi vẫn cứ lăn, bật tung mọi gốc rễ, xáo trộn cuộc sống của bao người trong vùng các dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thói quen đổ lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO