Không chăn nuôi, khó thoát nghèo
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bình Minh, điểm nhấn phát triển kinh tế chính cho huyện là trông chờ vào sự thành công của Dự án Đầu tư và Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020 mà huyện đang trình lên tỉnh với mục tiêu mỗi gia đình có thêm 2 còn bò, con trâu trở lên.
“Nếu không có chăn nuôi thì đây là bài toán khó cho người dân Si Ma Cai” - ông Minh cho biết. Tiềm năng thu nhập từ nông nghiệp được xác định là khó khăn vì diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân chỉ khoảng 0,2 ha/người. Ngày công lao động của người nông dân rất thấp (khoảng 33.000 đồng/ngày công), chỉ đủ duy trì cuộc sống. Huyện đang trình đề án chuyển đổi cơ cấu nông lâm nghiệp theo quy hoạch vùng khí hậu, hướng tới phát triển lê tai nung, lê địa phương... Tuy nhiên, cũng chỉ được vài xã. Cũng bởi vậy, vào lúc cao điểm 10% số người trong độ tuổi lao động của Si Ma Cai đi nơi khác làm thuê, phần lớn là sang Trung Quốc.
Đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc ở Si Ma Cai là biện pháp cấp bách và lâu dài. Bởi nếu tính với thu nhập 20 triệu đồng/nguời/năm thì bình quân 1 hộ một năm phải có 100 triệu đồng cho 5 người. Như vậy, phải có 2 - 4 con trâu. Một con trâu 2 - 3 năm tuổi có giá 25 - 30 triệu đồng. Bốn con trâu tính ít cũng được 60 - 80 triệu đồng, ngoài ra là những thu nhập khác. Cũng bởi vậy, dự án chăn nuôi hướng tới mục tiêu 60% người dân huyện (2.309 người chăn nuôi ở 13/13 xã) tham gia.
Dù dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi của huyện đang được trình lên UBND tỉnh và chưa được phê duyệt, song nhiều hộ dân đã chuẩn bị “đi tắt, đón đầu” bằng việc hoàn thiện hệ thống chuồng trại, trồng cỏ... chờ bò, trâu.
Như 50/57 hộ dân thôn Sín Chải, xã Bản Mế đăng ký tham gia vào dự án này, hộ anh Sín Văn Cương đã dốc toàn lực trong nhà để đầu tư vào chuồng trại, hố ủ phân theo đúng mẫu thiết kế của dự án với số tiền 30 triệu đồng. Tất cả đã sẵn sàng, cỏ voi cũng đã được anh nhân giống, chỉ chờ có mưa tới là gieo trồng.
Dù đất canh tác vùng này được coi là thuận lợi nhất huyện Si Ma Cai nhưng anh Cương cũng chẳng thể mở rộng vì nguồn nuớc vẫn hạn chế. Giải pháp gia tăng thu nhập và giải quyết thời gian nông nhàn cho nhiều người dân ở thôn Sín Chải này là đi làm thuê. Vì vậy, dự án nuôi gia súc tập trung được coi là sợi dây níu kéo những người dân thôn Sín Chải ở lại với thôn bản.
Lúng túng khâu thực hiện
Theo bản dự án mới nhất, tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 517 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm. Việc cho vay theo 2 phương án: Thông qua Ban Quản lý dự án chăn nuôi gia súc huyện Si Ma Cai hoặc vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Mức cho vay không thế chấp tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa 500 triệu đồng/hộ và người dân không phải trả lãi, thời gian vay 36 tháng. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều không khả thi.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Si Ma Cai Ngô Đức Dũng cho biết, hiện tỷ lệ hộ vay trên địa bàn huyện đã lên tới 80% với bình quân dư nợ 25 triệu đồng/hộ. Như vậy, với hạn mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ cho vay sản xuất kinh doanh, có những hộ đã vay kịch trần. Với các hộ còn lại nếu có cho vay đến mức tối đa cũng chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu.
Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 41 về cho vay nông nghiệp, nông thôn với mức cho vay không thế chấp 100 triệu đồng vẫn chưa được ban hành. Điều đó có nghĩa hạn mức tối đa cho vay không thế chấp của Ngân hàng NN&PTNT cũng chỉ là 50 triệu đồng.
Tính khả thi từ nguồn vốn này lại càng mong manh khi Ngân hàng NN&PTNT không có phòng giao dịch hay chi nhánh cấp 2 tại địa bàn Si Ma Cai. Cơ sở để ngân hàng cho vay là cầm cố tài sản, nhưng triển khai ở Si Mai Cai cũng không thể một sớm một chiều.
Lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, ngân hàng này cũng có nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh với hạn mức lên đến 100 triệu đồng/hộ, nhưng mức cho vay tối đa chỉ là 3% tổng dư nợ với lĩnh vực này. Do đó, dù có ưu ái cho Si Ma Cai cũng chẳng thể dồn hết cả 15 tỷ đồng nguồn vốn cho dự án này vì còn những huyện khác trong tỉnh người dân cũng đang chờ vay vốn.