Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Tài sản, tính mạng người dân như “trứng treo đầu gậy” khi sống gần mỏ đá

Thanh Tâm| 29/04/2021 15:52

(TN&MT) - Việc nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần Xây dựng và khai thác Trường Sơn (Công ty Trường Sơn) gây ảnh hưởng, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục hộ dân thôn Tân Sơn, xã Thiệu Ngọc. Mỏ đá chỉ cách hộ dân chưa tới 100m, mỗi lần nổ mìn nhà cửa bị rung lắc, bụi phủ mù mịt, nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới tính mạng của người dân. Tài sản, tính mạng người dân được ví như “trứng treo đầu gậy”!

Ngày 20/10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 377/GP-UBND cho phép Công ty Trường Sơn được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại núi Vạc, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa. Thời hạn khai thác 20 năm kể từ ngày cấp giấy phép.

Ngày 24/4/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép 133/GP-UBND cho phép Công ty Trường Sơn được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để khai thác đá làm vật liệu xây dựng: Theo phương án nổ mìn được Giám đốc Công ty Trường Sơn phê duyệt tại Quyết định 07/QĐ-CT ngày 26/03/2018, được Sở Công Thương thẩm tra tại Công văn 329/SCT-KT&ATCN ngày 17/04/2018. Yêu cầu Công ty thực hiện đúng phương án nổ mìn đã được lập, kho bảo quản VLNCN đảm bảo theo quy định; bán kính nổ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m, cách công trình, thiết bị tối thiểu 150m; đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản theo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vận chuyển sản phẩm sau khai thác theo đúng trọng tải cho phép.

Được biết, vào cuối năm 2018, Công ty Trường Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ mỏ đá cho ông Hà Văn Thành đứng tên giám đốc. Tuy nhiên theo thông tin từ UBND xã Thiệu Ngọc, vào năm 2020 ông Hà Văn Thành bị bắt giữ vì buôn bán vật liệu nổ trái phép. Hiện tại giám đốc Công ty Trường Sơn là bà Nguyễn Thị Thủy.

Theo ghi nhận thực tế của PV, mỏ đá nằm ngay sát nhà dân, hàng chục hộ dân đang chịu ảnh hưởng từ mỏ đá, nhà cửa bị nứt toác, nước sinh hoạt ô nhiễm vì bụi đá, mỗi lần nổ mìn bụi phủ kín cả một vùng và nguy hiểm tính mạng do khoảng cách quá gần. Như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quân đất ở của gia đình chỉ cách mỏ đá một con mương rộng 3 mét, nhà cách mỏ đá ước chừng chỉ khoảng 70m, mỗi lần nổ mìn gia đình ông phải đi sơ tán nếu không kịp thì trốn trong gian buồng.

Ông Nguyễn Văn Quân bức xúc nói: Mỏ đá của Công ty Trường Sơn hoạt động nhiều năm nay, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Mỗi lần nổ mìn Công ty hú còi, người dân chỉ biết đi trốn, nhà cửa hư hỏng, môi trường sống bị ô nhiễm. Vào tháng 5/2015 một tảng đá lớn bay vào khiến nhà sập, dịp đó Công ty có hỗ trợ cho tôi làm thêm 30m nhà. Còn từ đó tới nay, gia đình tôi không nhận được hỗ trợ hay đền bù gì.

Mỏ đá cách nhà ông Nguyễn Văn Quân (khoanh tròn đỏ) chưa đầy 100m, không đảm bảo khoảng cách an toàn khi nổ mìn.

Ông Quân lo ngại việc nổ mìn với khoảng cách quá gần sẽ nguy hiểm tới tính mạng của vợ chồng ông. Trong khi đó, con cái đều đi làm ăn xa chỉ có vợ chồng ông ở nhà, tuổi ngày càng cao, lo sợ mỗi lần nổ mìn hai vợ chồng không trốn kịp sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Quá bức xúc trước thực trạng nổ mìn làm đảo lộn cuộc sống, nguy hiểm tới tính mạng, hộ dân ông Nguyễn Văn Quân cũng  đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã. Tuy nhiên quyền lợi, tài sản và nguy hiểm tới tính mạng của gia đình ông vẫn như “trứng treo đầu gậy”.

Bà Nguyễn Thị Lan (nhà cách mỏ đá chỉ một ruộng lúa ) bức xúc cho biết: Gia đình tôi ở ngay sát mỏ đá, mỗi lần nổ mìn bụi phủ kín cả một vùng, nhà rung lắc rất mạnh, hiện tại tường đã bị nứt toác hết. Gia đình tôi yêu cầu phải đền bù, để gia đình tôi chuyển đi nơi khác sinh sống, chứ ở như thế này ô nhiễm đã đành, mỗi lần nổ mìn lúc nào cũng nơm nớp lo nhà cửa bị ảnh hưởng, nguy hiểm tới tính mạng.

Hộ bà Nguyễn Thị Lan cũng chỉ cách mỏ đá một ruộng lúa.

“Khổ lắm cô chú à, nhà cửa nứt toác, bụi đá thì mù mịt, máy xay nghiền hoạt động ầm ầm ngay sát khu dân cư. Bình thường trời nắng thì bụi đá mù mịt như sương mù, giếng khoan bơm lên đục chỉ dùng để rửa, chỉ cần nắng mấy ngày là mái nhà phủ kín một lớp trắng xóa. Không hiểu vì sao, ngành chức năng lại cấp phép mỏ đá ngay sát nhà dân như thế. Chúng tôi kiến nghị dừng hoạt động mỏ đá để đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân” – là nỗi niềm trăn trở của hàng chục hộ dân sống gần mỏ đá.

Ông Ngô Xuân Định –  Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Ngọc thừa nhận: Có việc nổ mìn ở mỏ đá của Công ty Trường Sơn ảnh hưởng tới các hộ dân. Chính quyền xã cũng đã yêu cầu công ty làm cam kết khai thác không ảnh hưởng tới người dân. Còn thẩm quyền cấp phép, khoảng cách nổ mìn vượt quá thẩm quyền nên mỗi lần người dân kiến nghị, xã cũng chỉ biết yêu cầu Công ty cam kết thực hiện đúng phương án sử dụng vật liệu nổ đã được phê duyệt. Trong các kỳ họp HĐND chính quyền xã cũng kiến nghị về việc nổ mìn ảnh hưởng tới các hộ dân vì khoảng cách quá gần.

Giấy phép sử dụng vật liệu nổ chỉ rõ “bán kính nỏ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m”

Trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp quy định rõ: bán kính nổ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m, cách công trình, thiết bị tối thiểu 150m. Thế nhưng, khoảng cách từ mỏ đá tới hộ ông Nguyễn Văn Quân và bà Nguyễn Thị Lan chỉ mấy chục mét, các hộ dân khác cũng chỉ khoảng 100m. Các hộ dân sống xung quanh mỏ đá lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.

Không hiểu khi khảo sát thực địa để cấp phép mỏ đá các ngành chức năng có căn cứ vào quy định, khoảng cách an toàn khi nổ mìn để cấp phép hay không? Để rồi trong quá trình sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá tài sản, tính mạng của người dân sống cạnh mỏ như “trứng treo đầu gậy”!

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Tài sản, tính mạng người dân như “trứng treo đầu gậy” khi sống gần mỏ đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO