Thiếu cơ chế phối hợp trong BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

25/11/2017 00:00

(TN&MT) – Tại phiên họp thứ 11 Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ( Ủy ban sông Đồng Nai) được tổ chức sáng 24/11, một lần nữa vấn đề  có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 11 tỉnh, thành trong lưu vực lại được các đại biểu phân tích, xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ chất lượng môi trường cho cả lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, sức ép do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng ngày càng lớn. Hậu quả là nguồn nước mặt thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã và đang bị ô nhiễm cục bộ, tập trung chủ yếu tại các đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và đô thị.

Trên 90% nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM được khai thác từ nguồn nước mặt thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Trên 90% nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM được khai thác từ nguồn nước mặt thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Một số điểm nóng ô nhiễm như kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai, An Hạ, suối Siệp, suối Linh, suối Săn Máu, sông Cần Giuộc… tiến độ khắc phục còn chậm. Chất lượng nước kênh Ba Bò trong năm qua diễn biến phức tạp, đã có dấu hiệu xấu đi nếu không tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý chặt chẽ.

Để triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ( Đề án sông Đồng Nai), đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai, trong nhiều năm qua, dưới sự điều phối của Ủy ban sông Đồng Nai, từng tỉnh, thành trên lưu vực đã có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương.

Đồng thời, 11 tỉnh, thành bước đầu đã có sự phối hợp liên tỉnh trong công tác BVMT lưu vực sông.  Tại phiên họp thứ 10, các tỉnh, thành trên lưu vực sông đã cùng ký kết “Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tại nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và Bình Phước”. Trong năm 2017, Quy chế này đã từng bước giúp các tỉnh giáp ranh cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề môi trường một cách hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì Hội nghị
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái chủ trì Phiên họp thứ 11 Ủy ban sông Đồng Nai

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Phiên họp thứ 11 cũng thừa nhận cơ chế hoạt động và các quyết nghị của Ủy ban  sông Đồng Nai không mang tính ràng buộc chặt chẽ,  chủ yếu dựa trên sự đồng thuận giữa các tỉnh trên lưu vực sông do đó việc triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc liên tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch của Ủy ban sông Đồng Nai là các Chủ tịch UBND tỉnh thuộc lưu vực sông luân phiên đảm nhận nên việc chỉ đạo phối hợp giữa các tỉnh còn hạn chế.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị

 Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương  nêu bất cập về công tác phối hợp quản lý khu vực hồ Dầu Tiếng, trong khi Bình Dương cấm khai thác cát thì phía Tây Ninh lại cấp phép. Sau đó, cát được khai thác lại được vận chuyển, tập kết lên địa bàn Bình Dương để vận chuyển đi các địa bàn khác tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nêu một tồn tại trong việc xử lý các vi phạm trên lưu vực sông thời gian qua. Đơn cử như một số phương tiện khai thác cát trái phép trên địa bàn TP.HCM khi bị các lực lượng chức năng của thành phố truy đuổi thì lại chạy sang địa bàn các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Long An…

Vì vậy, bà Mỹ kiến nghị cần  nghiên cứu một cơ chế phối hợp cho phép lực lượng chức năng của địa phương này  có quyền  xử “nóng” khi phát hiện vi phạm ở trên địa bàn khác; sau đó liên hệ cơ quan chức năng ở địa phương xảy ra vi phạm  cùng đến giải quyết các bước tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng cần có cơ chế phối hợp trong xử lý vi phạm trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng cần có cơ chế phối hợp trong xử lý vi phạm trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, các địa phương trên lưu vực đã tập trung điều tra, thống kê các nguồn thải, đầu tư xây dựng hệ mạng lưới quan trắc  nước tự động. Những dữ liệu này  sẽ  giúp cơ quan quản lý giám sát được chất lượng môi trường nước sông, cũng như kịp thời ứng phó các sự cố môi trường trên lưu vực.

Tuy nhiên, việc khai thác để phục vụ công tác quản lý chung cơ sở dữ liệu này chưa phát huy hiệu quả; dữ liệu của tỉnh nào  thì tỉnh đó biết mà không có sự chia sẻ, gây lãng phí.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cần có cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cần có cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Vì vậy, theo ông Chánh, Bộ TN&MT cần làm đầu mối để tích hợp tất cả các dữ liệu của 11 tỉnh,  thành, để các tỉnh, thành  này có thể tiếp cận  dữ liệu  một cách dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường của địa phương.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định: BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một vấn đề xuyên ranh giới, cần phải có sự phối hợp, chia sẻ, kết nối, đồng bộ và thống nhất trong quá trình triển khai giữa các địa phương; và đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành các mục tiêu của  Đề án sông Đồng Nai.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

 Ngoài ra, theo các đại biểu, khi triển khai Đề án sông Đồng Nai, các địa phương còn gặp khó khăn về  nguồn lực đầu tư, đặc biệt là tài chính, bởi các nhiệm vụ của Đề án không có nguồn tài chính riêng mà được tính chung trong tổng nguồn kinh phí BVMT. Mặt khác, công tác BVMT lưu vực sông mang tính đặc thù cao, tại các địa phương rất khó phân tách các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án với các nhiệm vụ, dự án BVMT nói chung, do vậy, việc tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá là rất khó khăn, đôi khi chồng chéo.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 11, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận những ý kiến của các địa phương trên lưu vực. Thứ trưởng cũng  thông tin, Chính phủ chuẩn bị thành lập Ủy ban Quốc gia các lưu vực sông do đồng chí Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng Bộ TN&MT là Phó Trưởng ban Thường trực. Chắc chắn, khi Ủy ban Quốc gia các lưu vực sông đi vào hoạt động, các vướng mắc, tồn tại không chỉ của Đề án sông Đồng Nai, mà cả Đề án sông Nhuệ - Đáy,  Đề án sông Cầu sẽ được khắc phục, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh.

Nguyễn Quỳnh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế phối hợp trong BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO