Thiết lập mạng lưới quan trắc - nâng cao năng lực cảnh báo môi trường: “Vênh” giữa hiện trạng và yêu cầu

TỐNG MINH| 10/03/2020 11:16

(TN&MT) - Sau nhiều năm triển khai, mạng lưới quan trắc môi trường tại Việt Nam đã phát triển, đóng góp tích cực cho quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, thực tế, hệ thống quan trắc hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Nỗ lực xây dựng mạng lưới

Từ năm 1994 tới năm 2006, mạng lưới quan trắc môi trường đã được hình thành tại một số Bộ/ngành và địa phương, tuy vậy, còn phân tán, riêng rẽ và chưa thống nhất về phương pháp, quy trình, thông số, tần suất quan trắc.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020”, với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp đó, đến ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thay thế quyết định số 16/2007/QĐ-TTg với mục tiêu “Xây dựng được hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Triển khai thực hiện Quyết định 90/2016/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã thực hiện quan trắc theo quy hoạch đối với các thành phần môi trường gồm nước mặt (nước biển ven bờ và nước sông), chất lượng không khí, trầm tích….; thực hiện các chương trình quan trắc các vùng kinh tế trọng điểm, các lưu vực sông bao gồm: sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai, sông Mã, sông Hồng - Thái Bình, sông Đà và Vu Gia - Thu Bồn, khu vực khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Bộ TN&MT cũng triển khai việc đầu tư, duy trì vận hành hệ thống các Trạm quan trắc không khí tự động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, và sắp tới tại Huế, Phú Thọ, Quảng Ninh...; tăng cường, lắp đặt các Trạm quan trắc nước tự động tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Huế...

Hệ thống quan trắc môi trường ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hệ thống trạm quan trắc môi trường không khí, nước tự động và liên tục chưa hoàn thiện, trong khi hoạt động quan trắc vẫn chưa được đảm bảo. Đơn cử, việc quan trắc định kỳ chỉ được thực hiện ở một số thời điểm nhất định trong năm, chưa phản ánh được đầy đủ hiện trạng chất lượng môi trường cho cả năm. Các địa phương được phê duyệt chương trình tổng thể do Trung tâm Quan trắc môi trường địa phương thực hiện. Tuy vậy, các Trung tâm Quan trắc môi trường thực hiện theo đúng kế hoạch phê duyệt của chương trình tổng thể chỉ chiếm khoảng 50% trên tổng số các Trung tâm Quan trắc môi trường trong cả nước.

Đối với quan trắc tự động: chi phí đầu tư, duy trì và vận hành các trạm quan trắc tự động còn cao nên một số tỉnh khó khăn về kinh phí đầu tư và duy trì trạm, nhiều trạm quan trắc tự động đã bị hỏng hóc nghiêm trọng, không thể sử dụng.

Cùng với đó, việc chia sẻ thông tin dữ liệu quan trắc môi trường giữa Trung ương, địa phương còn nhiều hạn chế. Dữ liệu môi trường chưa được hệ thống hóa, đồng bộ hóa, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, quản lý bảo vệ môi trường. Việc truyền nhận dữ liệu từ các Trạm quan trắc tự động liên tục địa phương về Bộ TN&MT còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, các hướng dẫn kỹ thuật chưa đầy đủ và thông suốt.

Mặt khác, việc kiểm soát và sử dụng số liệu quan trắc môi trường chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở dữ liệu môi trường toàn hệ thống hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý môi trường trong việc kiểm soát, theo dõi, cảnh báo diễn biến môi trường và đặc biệt khi có sự cố ô nhiễm môi trường lớn xảy ra trong khi đòi hỏi của xã hội về việc thông tin cảnh báo chất lượng môi trường đã trở nên bức thiết.

Xuất phát từ những bất cập từ công tác quan trắc môi trường trong suốt thời gian qua, cùng đánh giá rõ ràng tầm quan trọng của hoạt động quan trắc môi trường trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập mạng lưới quan trắc - nâng cao năng lực cảnh báo môi trường: “Vênh” giữa hiện trạng và yêu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO