Thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí

Trường Giang - Khương Trung| 25/10/2022 16:27

(TN&MT) - Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bảo đảm các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đã đề ra của việc xây dựng dự án Luật về thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước …

Chiều 25/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với 113 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu.

251020220211-z3827827506993_b94cfeda8b57afc2313ee4cdb876583d.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Đoàn công tác, khảo sát thực tiễn, hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội, đến nay có 50/63 Đoàn ĐBQH, 6 cơ quan của Quốc hội gửi ý kiến tham gia về dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật điều chỉnh nội dung điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí có tính đặc thù về chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, mức độ rủi ro, quy mô đầu tư, tính chất quốc tế hóa, liên quan đến tài nguyên, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.

Theo đó, Dự thảo đã bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Nội dung dự thảo Luật đã bảo đảm các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đã đề ra của việc xây dựng dự án Luật về: thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trên thực tế; dự liệu những vấn đề có thể phát sinh để có quy định phù hợp, cân bằng hài hòa giữa nguyên tắc quản lý nhà nước bảo đảm chặt chẽ và kiến tạo môi trường đầu tư dầu khí thuận lợi.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều).

Giải trình về các vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc. Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 42 về nội dung này.

Về hợp đồng dầu khí, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành...

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…

251020220218-333333.jpg
Quang cảnh phiên họp chiều 25/10

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nêu rõ dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đã bảo đảm đến mức độ nào các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn của việc xây dựng dự án Luật về: thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trên thực tế. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh phát sinh các vấn đề mới trong quá trình triển khai thực hiện có nguyên nhân từ các quy định của Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật Dầu khí chỉ điều chỉnh điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn; hoạt động dầu khí trung nguồn (vận chuyển, tồn trữ và phân phối) và hạ nguồn (xử lý, chế biến) thực hiện theo quy định của các luật khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí vì tính chất đặc biệt của hợp đồng dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có thể kéo dài 20-30 năm, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền...

Tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đồng thời, theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm thẩm định của Bộ Công Thương và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng dầu khí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO