Thiết lập dấu ấn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Thống nhất, giải quyết vấn đề tài nguyên nước liên ngành, vùng, địa phương và liên quốc gia

Thúy Hằng (thực hiện)| 23/06/2020 14:50

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam với nhiều điểm mới, nâng cao vai trò của Ủy ban.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Trung (ảnh) - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam để tập trung làm rõ những điểm mới tại Quyết định này.

PV: Xin ông cho biết, những điểm mới của Quyết định số 619/QĐ-TTg?

Ông Lê Đức Trung:

Ngày 8/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thay thế Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 15/1/2010 trước đây. Những điểm mới của Quyết định này so với trước đây là về chức năng, nhiệm vụ; về cơ cấu tổ chức.

Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, bên cạnh chức năng là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong Lưu vực sông Mê Công, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch (trước kia là Bộ trưởng TN&MT). Bộ trưởng Bộ TN&MT giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban và là Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam. Số lượng Ủy viên Ủy ban cũng được tăng lên do có sự bổ sung thêm đại diện lãnh đạo của một số Bộ, ngành và địa phương, đó là Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; UBND tỉnh Lâm Đồng và đại diện của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Tổng cục Thủy Lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ngoài ra, với Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có 2 Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban Lưu vực sông Sê San - Srêpốk.

PV: Như ông đã đề cập, Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhiều điểm mới so với trước đây. Vậy, theo ông điều này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Ông Lê Đức Trung:

Trước tiên, phải khẳng định rằng, Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Lưu vực sông Cửu Long và Ủy ban Lưu vực sông Sê San - Srêpốk cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã giúp thống nhất được nhiệm vụ quản lý lưu vực sông quốc tế và sông liên tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam; tăng cường phối kết hợp trong thực hiện các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên trên lưu vực; kết hợp giữa chiến lược, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước ở cấp vùng và chiến lược, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước ở cấp quốc gia.

Tiếp đó, Quyết định trên thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước về việc thành lập các Ủy ban Lưu vực sông. Đây là Ủy ban Lưu vực sông đầu tiên được thành lập ở Việt Nam theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 nên sự thành công của Ủy ban Lưu vực sông này sẽ thúc đẩy việc thành lập các Ủy ban Lưu vực sông liên tỉnh khác của Việt Nam. 

Cuối cùng, Quyết định số 619/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó, có nhiệm vụ sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách; qua đó, giúp được giúp tránh được sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành, tinh giản được biên chế, đồng thời, tận dụng được nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm về quản lý lưu vực sông của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam hiện nay.

PV: Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông. Vậy, ông có thể cho biết nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban trong thực hiện chức năng này như thế nào?.

Ông Lê Đức Trung:

Nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban trong thực hiện chức năng quản lý lưu vực sông được quy định trong Quyết định số 619/QĐ-TTg như sau: Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược và quy hoạch, giải quyết tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt Nam với các quốc gia trong lưu vực trong phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan; các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thường, các tác động tiềm tàng tới Việt Nam do các hoạt động phát triển thượng nguồn và biến đổi khí hậu.

Điều phối và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực như vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn; điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước gây ra; các hoạt động cải tạo, khôi phục các dòng sông; và các hoạt động cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông, ven hồ.

Có ý kiến bằng văn bản đối với các quy hoạch tài nguyên nước tới cấp tỉnh, thành phố; quy hoạch chuyên ngành có khai thác và sử dụng tài nguyên nước; các chương trình, đề án, dự án liên quan đến quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công. 

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đảm nhận thêm chức năng quản lý lưu vực sông

Phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án, dự án, hoạt động về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực.

Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

PV: Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg, Văn phòng Thường trực là tổ chức giúp việc Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Vậy,  ông cho biết Văn phòng đã có những kế hoạch cụ thể gì để triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Lê Đức Trung:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo Bộ về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định. Hiện nay, Văn phòng Thường trực đang phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ triển khai các hoạt động trọng tâm.

Cụ thể là tổng hợp danh sách lãnh đạo và thành viên Ủy ban do các Bộ, ngành và địa phương đề xuất để trình lãnh đạo Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Thủ tướng Chính phủ sẽ ra Quyết định phê duyệt danh sách lãnh đạo Ủy ban và Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ ra Quyết định phê duyệt danh sách các Ủy viên Ủy ban.

Chuẩn bị dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương thành viên và trình Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban xem xét phê duyệt.

Chuẩn bị dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 2 Tiểu ban Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk và Quy chế hoạt động của các Tiểu ban; tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương thành viên và trình Bộ trưởng TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xem xét phê duyệt.

Chuẩn bị dự thảo Quyết định về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Thường trực và trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Đồng thời, với các hoạt động chuẩn bị nêu trên, Văn phòng Thường trực đã tiến hành cập nhật Kế hoạch công tác năm 2020 của Ủy ban và đang triển khai xây dựng Kế hoạch công tác 5 năm 2021 - 2025.

Theo Kế hoạch, Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ Nhất dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long và do Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ công bố các Quyết định về Quy chế hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Quyết định thành lập các Tiểu ban Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ thảo luận và góp ý về Dự thảo Kế hoạch công tác 5 năm 2021 - 2025 của Ủy ban và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2020, cũng như các nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm 2020. 

PV: Thưa ông, thời gian sắp tới, Ủy ban sông Mê Công sẽ triển khai các hoạt động cụ thể gì để thực hiện chức năng quản lý lưu vực sông?

Ông Lê Đức Trung:

Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2020, Văn phòng Thường trực với chức năng là cơ quan giúp việc Ủy ban sẽ triển khai các hoạt động: Hỗ trợ thẩm định các quy hoạch tài nguyên nước tới cấp tỉnh, thành phố; quy hoạch chuyên ngành có khai thác và sử dụng tài nguyên nước; các chương trình, đề án, dự án liên quan đến quản lý, khai thác và phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên lưu vực, các tác động tiềm tàng và kiến nghị các giải pháp ứng phó, bao gồm cả giải pháp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, tình hình thực hiện các quy hoạch, chương trình và dự án trên lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk.

Điều tra, đánh giá các vấn đề tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương trong lưu vực Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk trong khai thác sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, đồng thời, kiến nghị các giải pháp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, môi trường cho lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San - Srê-pốk để hỗ trợ cho công tác ra quyết định và các hoạt động phát triển ở lưu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập dấu ấn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: Thống nhất, giải quyết vấn đề tài nguyên nước liên ngành, vùng, địa phương và liên quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO