Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas của học sinh Huế

07/08/2018 15:43

(TN&MT) - Hệ thống giúp ta chủ động hơn trong việc đóng tắt thiết bị điện trong nhà, từ đó giúp tiết kiệm chi phí tiền điện cho gia đình, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hệ thống cũng giúp chúng ta sớm phát hiện những rủi ro từ khí gas.

Hệ thống “Điều khiển và giám sát các thiết bị trong nhà qua Internet”
Hệ thống “Điều khiển và giám sát các thiết bị trong nhà qua Internet”

Đó là hệ thống “Điều khiển và giám sát các thiết bị trong nhà qua Internet” của nhóm sinh viên ở trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, gồm: Nguyễn Xuân Bằng, Trần Xuân Ý, Trần Văn Tuấn và Phùng Ngọc Tuấn.

Bằng cho biết, việc điều khiển và giám sát ngôi nhà từ xa dần trở thành xu thế của thời đại, bởi sự tiện dụng, an toàn, tiết kiệm điện.

“Mục tiêu của đề tài nhằm tạo ra một sản phẩm ngang tầm với các sản phẩm có trên thị trường nhưng giá sẽ giảm đi rất nhiều lần, từ đó dễ dàng tiếp cận với người sử dụng hơn. Ngoài ra, từ việc chủ động điều khiển và giám sát sẽ giúp ta sử dụng điện hợp lý, qua đó giúp tiết kiệm chi phí trong gia đình, chủ động hạn chế những rủi ro cũng như bảo vệ môi trường”- Bằng nói.

Nhóm sinh viên đã tiến hành tìm hiểu và cho ra sản phẩm trong vòng chỉ 3 tháng. Các bạn đã tiến hành lên ý tưởng, tìm hiểu cách thức hoạt động chung của các hệ thống smarthome có trên thị trường... Từ đó, các bạn chọn ra các mô đun thích hợp để tiến hành nghiên cứu cũng như mở rộng ứng dụng sau này.

Sau khi hoàn thành, các bạn tiến hành thử nghiệm. Hệ thống đã hoạt động ổn định trong thời gian dài. Điều khiển 7 thiết bị điện từ xa qua mạng Internet thông qua smartphone và phần mềm blynk (app trên IOS hay Android), điều khiển các thiết bị điện trực tiếp thông qua nút nhấn ở các phòng. Hệ thống tự động bật điện hành lang khi trời đủ tối và tắt khi trời đủ sáng.

Giao diện của hệ thống trên điện thoại thông minh
Giao diện của hệ thống trên điện thoại thông minh

Hệ thống tự động phát hiện rò rỉ khí gas, tự động bật còi, bật quạt hút khi nồng độ khí gas lên cao. Khi nồng độ khí gas ở ngưỡng cho phép thì hệ thống sẽ ngắt chuông báo, quạt hút ngừng làm việc. Khi nồng độ khí gas lên cao, dù đã bật loa, quạt hút trong thời gian đủ dài những vẫn không giảm được nồng độ, bạn có thể sử dụng chức năng tắt hết các thiết bị điện để đảm bảo an toàn...

Từ cửa hàng Google Play hoặc App Store, người dùng tải App điều khiển và tiến hành đăng nhập để sử dụng.

Hệ thống giúp ta chủ động hơn trong việc đóng tắt thiết bị điện trong nhà, từ đó giúp tiết kiệm chi phí tiền điện cho gia đình, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hệ thống giúp chúng ta sớm phát hiện những rủi ro từ khí gas. Khác biệt của đề tài là chi phí rẻ, cách điều khiển App rất dễ dàng tiếp cận với các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, đề tài có sử dụng cảm biến quang để bật hoặc tắt đèn hàng rào khi trời đủ sáng hay đủ tối, từ đó giúp sử dụng điện năng hợp lý.

Đồng thời, hệ thống sớm phát hiện khí gas bị rò rỉ ở trong bếp rồi tự động bật còi báo hiệu, bật quạt hút để đẩy lượng khí gas bị rò rỉ ra ngoài và sẽ thông báo lên điện thoại của các thành viên, từ đó có biện pháp can thiệp của con người.

Các bạn trẻ nhận giải cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật học cho sinh viên...
Các bạn trẻ nhận giải cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật học cho sinh viên...

Trong quá trình hoàn thành sản phẩm, nhóm bạn cũng gặp không ít khó khăn như phải tìm kiếm những modun thích hợp để tiến hành nghiên cứu cũng như phát triển sau này, thời gian cũng hạn chế nên đề tài chưa được hoàn thiện như ý muốn.

Theo Xuân Ý, đề tài có khả năng áp dụng rộng rãi. Khả năng tương thích khá cao của App điều khiển với các điện thoại smartphone hiện có trên thị trường. Các cá nhân trong gia đình đều có thể sử dụng bởi sự điều khiển đơn giản cũng như tiện dụng của App mang lại.

Đề tài của các bạn sinh viên này được đánh giá phù hợp với xu hướng trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0. Các bạn đã giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật học sinh sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Huế năm 2018.

“Dự định trong thời gian tới nhóm sẽ tiến hành mở rộng thêm số lượng tải để phù hợp hơn với các nhu cầu sử dụng khác nhau, mở rộng thêm các mô - đun cảm biến để giúp phát hiện và khắc phục cái sự cố khác, nghiên cứu thêm tải không dây RF để lắp đặt mà không phá vỡ kết cấu hạ tầng, thương mại hóa sản phẩm…”, các bạn bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas của học sinh Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO