Một người phụ nữ và đứa con đứng trong đống đổ nát của cơn bão Idai, tấn công miền Trung Mozambique vào năm 2019. Ảnh:WFP/Deborah Nguyen |
Lần đầu tiên trong lịch sử, trong năm qua, các hệ thống nông sản phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn như cháy rừng, thời tiết khắc nghiệt, châu chấu sa mạc ngày càng gia tăng và các mối đe dọa sinh học xuất hiện. “Các thiên tai này chưa từng xuất hiện với tần suất, cường độ và độ phức tạp lớn như vậy”, FAO nhấn mạnh.
Những thảm họa này tàn phá sinh kế trong ngành nông nghiệp, gây ra nhiều hậu quả kinh tế tiêu cực từ cấp hộ gia đình đến cấp quốc gia, có thể tồn tại trong nhiều thế hệ. Nông nghiệp chiếm 63% tác động do thiên tai gây ra, cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác như du lịch, thương mại và công nghiệp.
Các nước nghèo nhất có nguy cơ cao nhất
Các quốc gia kém phát triển nhất và có thu nhập thấp đến trung bình đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất do thiên tai. Từ năm 2008 đến năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp của các nền kinh tế đang phát triển hơn 108 tỷ USD.
Cũng trong khoảng thời gian đó, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng thiệt hại kinh tế là 49 tỷ USD, tiếp theo là Châu Phi với 30 tỷ USD, Mỹ Latinh và Caribe với 29 tỷ USD.
Hạn hán được cho là “thủ phạm” lớn nhất gây mất sản lượng nông nghiệp, sau đó đến lũ lụt, bão, sâu bệnh và cháy rừng. Mặc dù có mưa nhưng sản lượng cây trồng và vật nuôi vẫn bị thiệt hại 34%, so với mức giảm 9% sản lượng do thảm họa sinh học trong thời kỳ đó. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm các vấn đề trên.
Tác động nặng nề đến an ninh lương thực
Ngoài thiệt hại cho nền kinh tế của các nước, hậu quả đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng rất nghiêm trọng. Lần đầu tiên, FAO tính toán các thiệt hại kinh tế theo lượng calo và dinh dưỡng tương đương.
Cụ thể, tổ chức này ước tính rằng tổn thất do sản xuất cây trồng và vật nuôi ở các nước kém phát triển nhất và các nước có thu nhập thấp đến trung bình từ năm 2008 đến năm 2018 tương đương với mức thiệt hại 6,9 nghìn tỷ kilocalories mỗi năm. Con số này tương đương với lượng calo tiêu thụ hàng năm của 7 triệu người trưởng thành.
Báo cáo cho rằng, đầu tư vào khả năng chống chịu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đặc biệt là thu thập và phân tích dữ liệu cho hành động trên cơ sở có bằng chứng, điều rất quan trọng để đảm bảo vai trò cốt yếu của nông nghiệp trong việc hướng đến tương lai bền vững.