Tổn thất và thiệt hại do ảnh hưởng của BĐKH
Hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: đất đai, nguồn nước, khí hậu, chế độ thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm…nên sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH và thiên tai ở nước ta.
Đánh giá về tổn thất và thiệt hại trong ngành nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Đinh Vũ Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ KHCH&MT, Bộ NN&PTNT nhận định: Theo kết quả ước tính, nếu diện tích và năng suất lúa được giữ nguyên như năm 2008 thì sản lượng lúa sẽ giảm đi so với tiềm năng 8,37% (năm 2030) và 15,24% (năm 2050), sản lượng ngô có nguy cơ giảm đi so với tiềm năng 18,71% (2030) và 32,91% (năm 2050), con số này đối với sản lượng cây đậu tương sẽ là 3,51% (năm 2030) và 9,03% (năm 2050).
“Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng, hạn hán (thiếu nước tưới) sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất… là nguy cơ lớn đe dọa đời sống nông dân và vấn đề an ninh lương thực quốc gia” – ông Đinh Vũ Thanh nói.
BĐKH gây hạn hán khiến nông dân mất mùa. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dự báo đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 1m, vựa lúa ở ĐBSCL và TP.HCM có nguy cơ bị mất đi khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,5% sản lượng lúa của cả vùng. Do đó, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 vì mất đi khoảng 21,39% sản lượng lúa (mới tính riêng cho vùng ĐBSCL). Trong một tương lai gần hơn, dự báo đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 120 triệu người. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng thì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 120 triệu người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương
Bộ NN&PTNT cho biết: Cơ cấu thiệt hại do thiên tai trong giá trị nông nghiệp trung bình năm chiếm 52,1% (giai đoạn 2010 – 2014) so với tổng thiệt hại GDP. Giá trị nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong GDP nhưng là nguồn sống của trên 70% dân số. Do vậy, bất cứ thiệt hại nào do thiên tai đối với nông nghiệp sẽ mang tổn thương nhiều hơn đối với nông dân nghèo và khả năng phục hồi sẽ khó khăn vì cần có thời gian dài hơn.
Hiện nay, công tác kiểm kê, báo cáo và hỗ trợ về tổn thất, thiệt hại do BĐKH và thiên tai gây ra còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đề cập đến thực tế này, PGS.TS Đinh Vũ Thanh đã chỉ ra những khó khăn chủ quan và khách quan còn tổn tại ở nước ta. Trong đó, một số vấn đề chủ quan như: nước ta chưa có mô hình chuẩn và phù hợp về dự báo thiên tai; nguồn lực tập trung cho khắc phục trước mắt thì được ưu tiên; các nguồn dữ liệu báo cáo từ khu vực và địa phương không thống nhất, kịp thời; tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai của người dân còn hạn chế.
Về những khó khăn khách quan, ông Đinh Vũ Thanh cho rằng, phạm vi tổn thất thường xảy ra trên diện rộng, thời gian xảy ra ngắn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vấn đề kinh phí khắc phục hỗ trợ chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước gây nhiều bất lợi.
“Nguồn lực hỗ trợ thiệt hại nhỏ hơn so với những tổn thất thực tế rất nhiều. Những tác động của tổn thất tới đời sống, sinh hoạt của vùng chịu ảnh hưởng rất đa dạng và khó định lượng. Thời gian khắc phục thường lâu dài đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp (cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái và hoa màu). Không những thế, các công cụ tính toán, kiểm kê khó định lượng một cách chính xác và công bằng…Đây là những thách thức vô cùng lớn đối với công tác kiểm kê, báo cáo và hỗ trợ tổn thất, thiệt hại do BĐKH, thiên tai gây ra” – ông Đinh Vũ Thanh khẳng định.
Từ những khó khăn, thách thức đó, Bộ NN&PTNT đã đưa ra những kiến nghị cụ thể nhẳm làm giảm tổn thất – thiệt hại do BĐKH và thiên tai gây ra. Về phía chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng và công bằng cho vùng chịu tổn thất do thiên tai; xây dựng mô mình dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Về phía chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã cần chỉ đạo quyết liệt di dời, phòng chống thiệt hại, tổn thất; Báo cáo kiểm kê thiệt hại kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác chủ động phòng tránh và ứng phó thiên tai. Ngoài ra, lồng ghép hoạt động phát triển kinh tế xã hội vào quy hoạch phát triển trung, dài hạn có xét tới kịch bản BĐKH.
Tuyết Chinh