Tại Đại học Hoàng gia London (Anh), đã có 280 sinh viên y khoa hoàn thành kỳ thi năm cuối vào tuần trước dưới hình thức thi trực tuyến.
Theo trường đại học này, đây là lần đầu tiên sinh viên thi trực tuyến trong lịch sử các trường y ở Anh.
Trong thời dịch COVID-19, các kỳ thi trực tuyến hay còn gọi là kỳ thi kỹ thuật số đã cho thấy lợi ích của việc đánh giá trực tuyến, đồng thời giúp đội ngũ giảng viên của trường đại học tiết kiệm thời gian chấm điểm.
Tại Australia, trước khi tham gia kỳ thi trực tuyến, sinh viên của trường Đại học Công nghệ Sydney đã được thi thử trực tuyến, vì thế họ đã bớt lo lắng. Mô hình đánh giá trực tuyến giúp phát hiện khả năng chấm điểm tự động cho các bài thi tiêu chuẩn.
Không chỉ giảm bớt khối lượng công việc và tiết kiệm thời gian cho đội ngũ giảng viên, thi trực tuyến còn tiết kiệm tài chính cho các nhà trường.
Cũng tại Australia, Đại học Monash có thể tiết kiệm được gần 4,7 triệu USD một năm nếu 80% các kỳ thi bình thường áp dụng hình thức thi trực tuyến. Theo dự kiến, trường đại học này sẽ tiến hành thi trực tuyến trong năm nay.
Các trường đại học sẽ phát hiện ra tiềm năng của các kỳ thi trực tuyến khi đối mặt với đại dịch? Nguồn: Fayez Nureldine / AFP |
Ngay từ năm 2015, đại học Monash đã chuẩn bị hướng tới áp dụng thi trực tuyến. Ban đầu, Nhà trường tiến hành một thử nghiệm nhỏ vào học kỳ 1 năm 2017 với 0,5% các bài thi (600 chỗ) được chuyển sang hình thức thi trực tuyến. Cũng năm đó, trong học kì 2, trường đã tăng số lượng các bài thi, lên 8% các bài thi (10.000 chỗ) sang thi trực tuyến…
“Để chuẩn bị cho các đợt thi trực tuyến, nhà trường đã kết nối mạng lưới và cung cấp điện bằng cách lắp đặt hệ thống Wifi vào một trong những phòng thi và có dây dẫn đến từng bàn. Vào năm đó, nhà trường đã quyết định cung cấp laptop cho sinh viên và có bản sao lưu các bài thi trên giấy” – báo cáo của đại học Monash cho biết.
Tuy nhiên, vì không thể hỗ trợ mua laptop cho tất cả sinh viên nên nhà trường khuyến khích sinh viên sử dụng thiết bị của mình.
Tại New Zealand, trường đại học Wellington cũng đang thử nghiệm thi trực tuyến. Thay vì viết bài trên giấy thi khi thi ngoại tuyến, sinh viên sẽ gõ chữ khi thi trực tuyến.
“Đợt thi trực tuyến thử nghiệm lần đầu tiên vào học kỳ 1 năm 2019 với số lượng lớn sinh viên tham gia đã thành công tốt đẹp. Trong học kỳ 2 của năm 2019, nhà trường cũng áp dụng thi trực tuyến lần 2. Kể từ đó, sinh viên các khóa học đều được thi trực tuyến” - trang web của đại học Wellington công bố.
Hàng loạt trường đại học tại Na Uy, như đại học Bergen, đại học Oslo và đại học Agder cũng áp dụng hình thức thi trực tuyến.
Thi trực tuyến là hình thức khả thi và đạt hiệu quả nhất trong thời dịch COVID-19 hiện nay nhưng hình thức này vẫn chưa đại trà trên thế giới. Hình thức thi này cần sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan, và cần nỗ lực đầu tư cho hình thức này bởi các trường sẽ tiết kiệm được thời gian và tài chính khi giảm bớt các phương pháp thi truyền thống.