Thị phần hàng không Việt Nam: 90 triệu dân, mới có 200 tàu bay

Tuyết Chinh| 11/12/2019 14:40

(TN&MT) - Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng hiện mới chỉ có 200 tàu bay được đưa vào khai thác tại 22 sân bay trên cả nước, trong khi nhu cầu còn rất lớn.

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” hướng đến việc làm thế nào để phát triển hàng không nước ta nhanh nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai khạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8 %/năm. Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Tuy nhiên, cùng với những khởi sắc và sự ra đời của các hãng hàng không mới, thực tế hàng không Việt Nam nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp với cả cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Do vậy, làm thế nào để phát triển ngành hàng không Việt Nam nhanh nhưng thật sự bền vững trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước luôn hướng tới.

3 điểm nghẽn lớn

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, tăng trưởng của hàng không Việt Nam như hiện nay là tăng trưởng bình thường, do cầu gia tăng trong nền kinh tế.

Theo ông Cung, vấn đề chúng ta cần nhìn ra là trong quá trình tăng trưởng, điểm nghẽn của chúng ta là gì? Rõ ràng có những vấn đề đã xảy ra, nhưng vấn đề gì có thể để thị trường giải quyết, vấn đề gì để nhà nước giải quyết?

Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm với chủ đề "Giải pháp để hàng không phát triển bền vững"

Xác định những điểm nghẽn hiện nay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đánh giá, hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh đương nhiên sẽ dẫn đến những hệ luỵ và thách thức. Và chắc chắn sẽ phát sinh thêm điểm nghẽn, những nút cổ chai.

Ông Thắng cho rằng có 3 điểm nghẽn lớn. Thứ nhất là điểm nghẽn về thể chế, chính sách. Tiếp đó là vấn đề cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng là điểm nghẽn lớn về nguồn nhân lực.

“Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ có chương trình, giải pháp để tháo gỡ bằng được cả 3 điểm nghẽn này.Tốc độ tăng trưởng, nếu nói phát triển “nóng” là khi tiềm năng của mình chỉ khoảng 6%, mình kích lên 6,5-6,7%, thì vượt quá năng lực, thì lúc đó là “nóng”. Còn tăng trưởng như hiện nay là tăng trưởng bình thường, do cầu gia tăng trong nền kinh tế”, Cục trưởng Định Việt Thắng nói.

“Phát triển bền vững” là quan trọng

Giáo sư Nawal Taneja - chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực hàng không chia sẻ, đúng là ngành hàng không Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng đó không phải vấn đề.

Thực tế phải xem xét vấn đề an ninh, an toàn. Tất cả các hãng hàng không phải chú ý vấn đề này. Theo dữ liệu tăng trưởng và cạnh tranh toàn cầu thì có hai cách. Thứ nhất là cạnh tranh tích cực. Hai là phá hủy, không theo mô-tip truyền thống. Tôi ví dụ, một số nước làm tốt như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi lấy ví dụ mà chúng ta có khái niệm cạnh tranh mang tính phá hủy, đột phá mới như Nam Phi, Ấn Độ…

Tất cả phụ thuộc vào cạnh tranh, hình thức cạnh tranh nào. Bởi cạnh tranh là tốt để có dịch vụ tốt hơn, giá vé tốt hơn cho nền kinh tế nhưng phải cân bằng, phải thực hiện trên phạm vi là còn hạn chế của hạ tầng. Nếu hạ tầng, tài chính không phân bổ đầy đủ thì không thành công.

Quang cảnh Tọa đàm

Cho rằng thế hệ tiếp theo với công nghệ mới rất khó có thể quản lý vấn đề tăng trưởng cao khi hạ tầng hạn chế, Giáo sư Nawal Taneja phân tích, nếu dữ liệu đúng, phân tích đúng, nếu công nghệ các hãng đúng, máy bay đúng thì hoàn toàn có thể quản lý tốt hơn trong phạm vi hạ tầng hiện nay. Có thể tăng chuyến bay mà không cần cải thiện hạ tầng.

Cùng với đó là chuyến bay kết nối, nghĩa là nhiều thông tin kết nối máy bay mà cần quản lý thông tin cung cấp cho máy bay, đưa ra khả năng quản lý tốt nhất, tạo vòng quay nhanh hơn, chuyển chuyến nhanh hơn thay vì kẹt nghẽn ở sân bay. Giải quyết được sẽ giảm thời gian chết, thời gian chờ.

“Theo tôi nghiên cứu thì hàng không Việt Nam ba năm gần đây có tiềm năng to lớn, tốc độ tăng trưởng cực kỳ nhanh. Bay Việt Nam sang Mỹ, châu Âu và nay đã bay thẳng sang Mỹ thì nên làm, tốt cho dân, cho nền kinh tế”, Giáo sư Nawal Taneja nói.

Theo Giáo sư Nawal Taneja, chúng ta không thể phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Du lịch tốt nhưng phải nhớ nền kinh tế cần được hàng không hỗ trợ để tăng giao thông. Đó không chỉ là đi lại mà là nhu cầu kinh tế.

TP HCM có thể trở thành trung tâm công nghệ của thế giới, nhiều doanh nhân sẽ từ nhiều nơi trên thế giới tới TPHCM. Đó là nhu cầu du lịch của thương gia và cũng là nhu cầu mở rộng và kiếm nhiều tiền hơn.

Khẳng định có nhiều cách thức khác nhau làm hiệu quả hơn, Giáo sư Nawal Taneja cho rằng, chúng ta cần học để chiến đấu dù hai tay bị trói, vẫn phải xoay sở cải thiện cho tới khi hạ tầng cải thiện. Và chính sách cungx cần tạo nhiều cái sáng sủa cho hàng không phát triển theo hướng tích cực.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa.

Tại thị trường nội địa, hiện nay nước ta có sự tham gia của 5 hãng hàng không góp phần xây dựng một thị trường hàng không có sức cạnh tranh cao. Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 dự báo tiếp tục được duy trì ở mức hai con số với mức độ tăng trưởng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn.

Dự báo năm 2020, tổng thị trường đạt 86,6 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị phần hàng không Việt Nam: 90 triệu dân, mới có 200 tàu bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO