Ảnh minh họa |
Diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam
Tính từ 12h đến 19h30 ngày 25/5 có 287 ca mắc mới (BN5562-5851), bao gồm 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tiền Giang và 284 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Nam, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Trong ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 447 ca mắc mới, bao gồm 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tiền Giang và 444 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (375), Bắc Ninh (28), Hà Nội (23), Lạng Sơn (7), Hà Nam (5), Đà Nẵng (2), Thái Bình (1), Hồ Chí Minh (1), Điện Biên (1), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).
Tính đến 18h ngày 25/5: Việt Nam có tổng cộng 4.362 ca ghi nhận trong nước và 1.489 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 2.792 ca.
Thông tin các ca mắc mới
CA BỆNH BN5605 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang: nam, 43 tuổi, địa chỉ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
CA BỆNH BN5606 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang: nam, 46 tuổi, địa chỉ tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
CA BỆNH BN5607 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang: nữ, 40 tuổi, địa chỉ tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 6/5, các bệnh nhân từ Malaysia nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH 9322 và QH 3324 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 24/5 dương tính với SAR-CoV-2.
CA BỆNH BN5562, BN5564-BN5566, BN5568-BN5570, BN5572-BN5589, BN5608 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 23 ca là F1, 1 ca liên quan dịch tễ đến ổ dịch Công ty Spica, 1 ca liên quan dịch tễ đến ổ dịch Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang), 1 ca trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 24-25/5 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN5563, BN5567, BN5571, BN5593-BN5594, BN5599-BN5604 ghi nhận tại TP. Hà Nội: 4 ca là F1, 3 ca liên quan dịch tễ đến ổ dịch Công ty T&T, 2 ca là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, 2 ca liên quan dịch tễ đến BN5414. Kết quả xét nghiệm ngày 24-25/5 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN5590 ghi nhận tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (là F1 đã được cách ly trong bệnh viện từ trước).
CA BỆNH BN5591-BN5592, BN5595 ghi nhận tại tỉnh Hà Nam: là các trường hợp F1 đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 24/5 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN5596-BN5598 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: 1 ca là F1 của BN3721, 1 ca liên quan dịch tễ đến BN3482, 1 ca là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 25/5 dương tính với SARS-CoV-2.
Số ca mắc mới tại Bắc Giang trong ngày 25/5 là 375 ca. Bao gồm 45 ca mới được công bố lúc 6h sáng; 87 ca mới được công bố lúc 12h trưa và 243 ca mới được công bố lúc 20h tối.
CA BỆNH BN5609-BN5773: có liên quan dịch tễ đến KCN Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những trường hợp đã được lấy mẫu thần tốc trong 3 ngày qua tại các Khu công nghiệp và trong khu vực đã được phong tỏa từ trước.
78 ca mới chưa có đủ thông tin điều tra dịch tễ, sẽ được bổ sung mã số bệnh nhân sau.
Bộ Y tế dồn tổng lực chi viện cho Bắc Giang chống dịch ở mức cao hơn so với đợt dịch tại Đà Nẵng
Chiều 25/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Tại điểm cầu Bộ Y tế có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Tại điểm cầu Bắc Giang, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh và Bắc Giang dự họp cùng ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: "Chủng virus lây lần này rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng, có khả năng nhân lên nhanh và khả năng phát tán mầm bệnh rất rộng. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương báo cáo với tôi, thông thường nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau 3-4 ngày virus mới mọc, nhưng lần này ngày thứ 2 virus đã mọc rất nhiều, phát tán mầm bệnh rất nhanh. Chủng virus lần này nếu xử lý chậm là muộn. Tại nhà máy Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55% do lây từ trước, trong khu lưu trú, trong nhà máy và trên xe đi làm hàng ngày".
Theo người đứng đầu ngành y tế, 3 ngày qua ngành y tế dồn tổng lực xét nghiệm nên số ca dương tính phát hiện sau xét nghiệm đến chiều nay tăng thêm hơn 300 trường hợp. Tuy nhiên, có điểm tạm yên tâm là các ca bệnh đều nằm trong khu vực cách ly, phong toả nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không nhiều.
“Ưu tiên lớn nhất hiện nay là làm thế nào phòng chống và dập cho bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác và như thế sẽ rất nguy hiểm. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo rất sát với thực tiễn phòng chống dịch hiện nay”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói và đưa ra một số biện pháp cụ thể:
Thứ nhất, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phải cùng tỉnh Bắc Giang đánh giá lại nguy cơ dịch ở tất cả các huyện, không riêng 4 huyện đang cách ly theo Chỉ thị 16. Đối với các khu vực khác, nếu có vấn đề gì thì mạnh dạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. “Việc này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quyết định” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói
Thứ hai, đối với tất cả những trường hợp có ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch, điều trị nhưng phải truy vết triệt để, không được để sót trường hợp F1.
Thứ ba, các khu vực có nhiều công nhân như My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng… phải thực hiện đóng băng các điểm dân cư, áp dụng thiết chế cách ly tập trung trên toàn bộ các khu vực này và mở rộng sang các khu vực khác có đông công nhân và có yếu tố nguy cơ. Phải coi cả vùng này là khu cách ly tập trung thì mới khống chế, kiểm soát được dịch.
Thứ tư, tiếp tục giám sát sàng lọc và sàng lọc liên tục, xét nghiệm 3 ngày 1 lần. Thay đổi phương thức lấy mẫu và trả kết quả để xét nghiệm nhanh và hiệu quả. Nếu lại lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và CDC tỉnh thì sẽ gây ra tình trạng quá tải.
Thứ năm, các tổ giám sát COVID-19 trong cộng đồng đã được thành lập tại Bắc Giang và bây giờ là lúc các tổ này phải được tổ chức lại, phải đi giám sát lại, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Đã áp dụng Chỉ thị 16 thì phải áp dụng nghiêm, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo PGS.TS Trần Như Dương và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (hai Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang) cần họp với tỉnh và đưa ra phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao. PGS.TS Dương đánh giá hiện Bắc Giang có 50.000 người nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Phải xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 3 ngày/lần, nếu phát hiện dương tính phải đưa đi ngay. Nếu âm tính thì không được coi là an toàn, phải tiếp tục cách ly và làm xét nghiệm 3 ngày/lần, sau 7 ngày thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR để đánh giá và điều chỉnh lại. Đặc biệt, với phương thức xét nghiệm này, Bắc Giang không phải lấy mẫu mang về cho CDC tỉnh hay tuyến huyện mà tổ chức các điểm vừa lấy mẫu, làm xét nghiệm và trả kết quả ngay. Khi có kết quả dương tính là đưa bệnh nhân đi cách ly ngay và làm lại xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
"Đối với các khu công nghiệp khác cũng giám sát, sàng lọc. Chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được. Mỗi ngày phải làm 50.000 mẫu" – Bộ trưởng nhấn mạnh trên nguyên tắc phải nhanh nhất mới có thể thắng được. "Đà Nẵng nhanh 1 thì trận này phải nhanh 10 mới chặn được" – Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. "Ngành Y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm ngoái, nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn" – Bộ trưởng khẳng định và giao cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, toàn quyền "điều quân" từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bên cạnh đó cũng cần "đảo quân", bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh chi viện các kíp hồi sức tích cực và chiều mai có mặt ở Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - những nơi có các đơn vị hồi sức tích cực mạnh hỗ trợ cho Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
Trong điều kiện cần thiết, Bộ Y tế sẽ thành lập kho dã chiến tiền phương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư tối đa với Bắc Giang. Tuy nhiên, Bắc Giang cũng cần chuẩn bị kịch bản trong tình huống gia tăng ca mắc cao hơn so với kịch bản hiện tại. Bộ trưởng kêu gọi các địa phương, đơn vị trên cả nước hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, trợ giúp cho hai địa phương này, đặc biệt là Bắc Giang.