Ông Đặng Ngọc Thanh, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố quyết định công nhận cây di sản cho cây Đa và cây Muỗm Đình Liễu Giai |
Cây Đa Tía (có tên khoa học Ficus bengalensis) hơn 200 tuổi và cây Muỗm (có tên khoa học Mangifera foetida Lour) hơn 100 tuổi nằm trong khuôn viên Đền – Đình Liễu Giai, ngõ 343 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết: Nước ta đã công nhận gần 1000 cây từ Bắc chí Nam, kể cả quần đảo Trường Sa. Cây Đa, cây Muỗm trong đình Liễu Giai được công nhận là cây di sản bởi giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị lịch sử; đặc biệt là giá trị về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái mà cây mang lại.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trao Bằng công nhận Cây di sản |
Trở thành cây di sản Việt Nam, cây Đa Tía và cây Muỗm góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn. “Thời gian tới, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương cần tiếp tục bảo vệ cây, bảo vệ tài nguyên môi trường khu di tích cũng là bảo vệ cho cuộc sống cộng đồng”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên cây Đa di sản |
Chủ tịch UBND phường Liễu Giai, bà Nguyễn Phương Thùy cho biết, cây Đa và cây Muỗm trong đình Liễu Giai đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần, nơi sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng của người dân địa phương hàng trăm năm nay. Nhiều sự kiện văn hóa của địa phương đã diễn ra dưới hai gốc cây này.
Cây Đa di sản trong di tích Đền - Đình Liễu Giai |
Bên cạnh việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong bảo tồn di tích, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ 2 cây di sản nói riêng, bảo vệ môi trường khu di tích nói chung ngày càng sạch đẹp.
Sự kiện “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” là sáng kiến của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Đây là sự kế thừa truyền thống Văn hiến, nghìn năm của các dân tộc Việt, những kinh nghiệm ứng xử với các “Danh mộc” của một số quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, đến nay sự kiện đã vinh danh gần 1000 cây thuộc trên 70 loài tại 41 tỉnh/thành phố trong cả nước và trở thành phong trào bảo vệ môi trường thiết thực của cộng đồng với nhiều hoạt động đi kèm phong phú, sinh động. |
Tin & ảnh: Tuyết Chinh