Một đầm phá xa xôi, được bao quanh bởi các đảo đá vôi, bảo vệ một rạn san hô đa dạng ở Raja Ampat, Tây Papua. Ảnh: Shutterstock / Ethan Daniels |
14 nước đưa ra chương trình hành động vì đại dương
Năm 2020, trong bối cảnh các thảm họa và sự kiện thảm khốc diễn ra tại nhiều quốc gia, “chưa từng có” là tính từ được sử dụng phổ biến nhất cho các sự kiện này. Tuy nhiên, dịp cuối năm đã mang đến một cơ hội mới để các quốc gia có thể sử dụng cụm từ này với một ý nghĩa tích cực hơn.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo của 14 quốc gia đã đưa ra chương trình hành động vì đại dương mới được xây dựng và phát triển bằng cách quản lý bền vững 100% vùng biển quốc gia. Trong đó, các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các nhà lãnh đạo của Australia, Fiji, Indonesia, Nhật Bản và Palau đã tham dự hội đồng cấp cao.
Động thái trên của các nhà lãnh đạo cho thấy các nước sẽ củng cố các chính sách quốc gia mới nhằm cân bằng giữa việc sử dụng bền vững đại dương với việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Nếu được thực hiện đầy đủ, cam kết được xây dựng trong tháng 12 có thể là điểm khởi đầu cho sự thay đổi chưa từng có về quản lý đại dương. Từ đó, có thể củng cố một tương lai bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ con người và hệ sinh thái biển.
5 giải pháp quan trọng để bảo tồn bền vững đại dương
Theo chương trình hành động vì đại dương, các quốc gia đã đưa ra những biện pháp quan trọng nhằm sử dụng và bảo tồn bền vững đại dương. Trước hết, dừng cho phép đánh bắt quá mức. Đánh bắt quá mức vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đại dương. Nó được thúc đẩy bởi chính sách cho phép cung cấp quá mức và đánh bắt quá mức, cùng với trợ cấp làm méo mó thị trường. Trữ lượng cá suy giảm chính là hậu quả rõ ràng được cảnh báo do đánh bắt quá mức và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, quản lý nghề cá bền vững sẽ tạo ra sản lượng cá đánh bắt lớn, có giá trị hơn và giảm mức độ đánh bắt.
Chính phủ các nước nên thiết lập quy trình và hỗ trợ quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái. Đó là giải pháp quan trọng để hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe.
Ngoài ra, cần phải tính đến giá trị đại dương. Cụ thể, tổng giá trị của đại dương được ước tính khoảng 24 nghìn tỷ USD, tuy nhiên đại dương hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu đầu tư nghiêm trọng. Trong 10 năm qua, chỉ có 13 tỷ USD được đầu tư vào các dự án bền vững thông qua hoạt động từ thiện và các dự án phát triển chính thức. Thậm chí, mức đầu tư đóng góp bởi khu vực doanh nghiệp còn ít hơn.
Chẳng hạn, lợi ích đáng kể của các hệ sinh thái ven biển như rạn san hô, đất ngập nước ven biển và rừng ngập mặn vốn đóng vai trò là “vùng đệm tự nhiên” trước bão hiếm khi được đề cập đến trong việc bảo vệ bờ biển. Điều đó có nghĩa là các quyết định về giảm thiểu rủi ro và ngân sách đang được thực hiện nhưng không nhận thấy rõ giá trị của các yếu tố này.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo các nước nước nên thiết lập các tài khoản đại dương quốc gia để cung cấp thông tin chính xác cho các quyết định về hoạch định chính sách và quản lý tài nguyên. Các tài khoản đại dương này không chỉ bao gồm những gì đại dương tạo ra (như GDP), mà còn bao gồm cả thu nhập từ đại dương để tính đến lợi ích cho con người và nhiều lợi ích khác... từ đó tiến hành giám sát tính bền vững.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khung chính sách phù hợp. Các nhà hoạch định chính sách phải từ chối những cách tiếp cận phân mảng dựa trên lĩnh vực và lãnh thổ, thay vào đó là hướng tới quản trị phù hợp với mục đích, bao gồm cả chính sách và luật pháp.
Các khuôn khổ chính sách tích hợp có thể mở rộng sang việc phát triển các kế hoạch chiến lược nhằm hướng dẫn tăng trưởng kinh tế theo hướng lành mạnh với môi trường và xây dựng môi trường pháp lý nhằm củng cố lòng tin của nhà đầu tư và đẩy nhanh việc triển khai các dự án đại dương bền vững. Để các biện pháp này có tính hiệu quả và bền vững cao, cần thực hiện đầy đủ quá trình phát triển, huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân bản địa, khu vực tư nhân và các bộ phận khác nhau của chính phủ và phải dựa trên khoa học.
Hơn nữa, sử dụng bộ công cụ chính sách đầy đủ. Bên cạnh các lệnh cấm, cần đưa ra các quy định và tiêu chuẩn môi trường và các quốc gia có thể sử dụng các chính sách dựa trên thị trường.
Đồng thời, để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa nghiêm trọng và tình trạng ô nhiễm ngầm khiến đại dương trở thành “vùng chết”, chúng ta cần phải ngăn cản các mô hình và hành vi kinh doanh lãng phí và gây ô nhiễm bằng cách yêu cầu các quốc gia hành động, tao sự công bằng và khuyến khích các doanh nghiệp xanh. Chẳng hạn, Ấn Độ và Singapore đang thực hiện các công cụ chính sách dựa trên thị trường để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, nhằm loại bỏ phế phẩm và “giữ lại để sử dụng” các sản phẩm, vật liệu càng lâu càng tốt.
Giải pháp cuối cùng là đặt đại dương là vấn đề cần ưu tiên. Đại dương duy nhất của hành tinh kết nối tất cả chúng ta. Chính vì vậy, chính sách không phù hợp và không đủ nỗ lực để bảo vệ sự tự nhiên vốn có của đại dương, nền tảng cho nền kinh tế và phúc lợi của khu vực, cung cấp hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị thiếu hụt.