Xã hội

Thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu ở Cao Bằng: Vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”

Nguyễn Hùng 11/06/2021 22:19

(TN&MT) - Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng, việc chăn nuôi trâu, bò thả rông hay nuôi nhốt dưới gầm, sàn nhà ở hoặc làm chuồng trại sát nhà ở vẫn là một trong những thói quen, tập quán lâu đời. Điều này không những làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề về sức khỏe con người, gây những hệ lụy khôn lường.

1-15-.jpg
Nhiều hộ dân ở vùng nông thôn thả rông trâu, bò để phóng uế bừa bãi dọc đường.

Hộ gia đình ông Nông Văn Cừ, xóm Pác Dài, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình ông Cừ đã phát triển lên đến 7 con. Mặc dù số lượng đàn bò ngày càng tăng, song gia đình ông Cừ vẫn nuôi nhốt trong chiếc chuồng tạm bợ, chất thải vương vãi khắp nơi, gây mùi hôi thối nồng nặc. Đáng nói, chuồng bò của gia đình ông Cừ được dựng ngay cạnh nhà ở, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong đó có những bệnh thường gặp như hô hấp, đường ruột, đau mắt đỏ…

Còn tại gia đình bà Nông Thị Thúy, đàn lợn với số lượng 9 con được nuôi nhốt ngay dưới gầm sàn nhà ở. Những năm trước, thời điểm chưa có dịch bệnh thì đàn lợn của gia đình bà Thúy có lúc nuôi đến hơn 20 con. Bà Thúy cho hay, mặc dù biết để chuồng trại chăn nuôi dưới gầm sàn nhà ở là rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân, nhưng do hiện nay gia đình chưa có kinh phí để di chuyển chuồng trại, xây dựng hợp vệ sinh nên cũng “đành chịu”.

Được biết, năm 2021, xã Tam Kim phấn đấu hoàn thành về đích xây dựng Nông thôn mới. Song, đến nay, tiêu chí về môi trường trên địa bàn xã Tam Kim vẫn chưa đạt. Bà Nông Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tam Kim cho biết, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu và nắm được những hệ lụy của việc chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do thói quen, tập quán này đã hình thành từ lâu đời nên rất khó thay đổi.

3-2-.jpg
Do thói quen, tập quán lạc hậu nên một số hộ chăn nuôi vẫn nuôi nhốt dưới gầm sàn nhà ở

“Mặt khác, nguồn kinh phí của các hộ gia đình còn hạn chế, một số hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện kinh tế, không có quỹ đất để xây dựng chuồng trại xa nhà ở, hợp vệ sinh. Cùng với đó là tâm lý lo ngại để trâu, bò ra xa nhà ở thì sẽ khó quản lý, dễ bị mất trộm…”, bà Nông Thị Hiệp cho biết thêm.

Hiện, tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại gia súc nhằm thực hiện công tác di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở trong cộng đồng dân cư. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp phải không ít khó khăn trong công tác này, bởi nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực, ý thức và tập quán lạc hậu về chăn nuôi gia súc của một số bộ phận không nhỏ người dân. Thực trạng này đã và đang gây ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của từng xóm, xã.

Cao Bằng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, vì vậy việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, qua đó góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu ở Cao Bằng: Vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO