Thắt chặt công tác kiểm soát gấu nuôi nhốt qua chương trình tái gắn chíp

09/08/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 9/8, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới hoàn thành chương trình tái gắn chíp cho khoảng trên 200 cá thể gấu nuôi nhốt tại Hà Nội, một trong những điểm nóng có số lượng trang trại và cá thể gấu bị nuôi nhốt lớn nhất trên cả nước. Với công nghệ mới nhất, loại chíp điện tử được sử dụng lần này sẽ là công cụ đắc lực và an toàn hơn, giúp công tác kiểm tra chíp được thực hiện dễ dàng vì không phải gây mê cho gấu trong mỗi lần kiểm tra.

Cơ quan chức năng đã tịch thu một cá thể gấu ngựa không có chíp bị phát hiện trong quá trình tái gắn chíp tại Hà Nội
Cơ quan chức năng đã tịch thu một cá thể gấu ngựa không có chíp bị phát hiện trong quá trình tái gắn chíp tại Hà Nội

Việc tái gắn chíp lần này là một phần trong chiến lược mới do một nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu (bao gồm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và tổ chức Four Paws International) phát triển, nhằm hỗ trợ chính phủ thúc đẩy tiến trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Năm 2005, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (trước đây là Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA)) đã khởi xướng chương trình đăng ký và gắn chíp cho hơn 4,300 cá thể gấu nuôi nhốt tại hàng trăm trang trại trên khắp cả nước. Đây là bước đi đầu tiên trong nỗ lực mang tính chiến lược và toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Mục tiêu của việc đăng ký và gắn chíp cho gấu là nhằm thắt chặt công tác quản lý gấu và đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các trang trại.

Trong 12 năm qua, số lượng gấu nuôi nhốt đã giảm đáng kể nhờ cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, cũng như nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT đến đầu năm 2015 chỉ còn hơn 1,200 cá thể gấu bị nuôi nhốt trên cả nước.

“Nhìn lại 12 năm kể từ khi chính phủ bắt đầu nỗ lực nhằm tiến tới xóa bỏ hoạt động nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận”- bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết. “Không chỉ số lượng gấu tại các trang trại đã giảm khoảng 70% mà tỉ lệ sử dụng mật gấu cũng sụt giảm khoảng 61 %”. Bà Hà cũng nhấn mạnh rằng những đổi mới về chính sách và nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng hiện nay đã hiệu quả hơn nhiều so với 12 năm trước.

Lấy ví dụ về việc đóng cửa thành công các trại gấu tại Quảng Ninh năm 2015, bà Hà cho rằng sự hợp tác giữa ENV và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh là thành tố quan trọng giúp đặt dấu chấm hết cho vấn nạn “du lịch mật gấu” trên địa bàn tỉnh. Bà Hà nói: “Hoạt động nuôi gấu lấy mật sẽ sớm đi đến hồi kết. ENV và nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng để nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này”.

Về cam kết chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam mới đây của Bộ NN&PTNT, bà Hà chia sẻ: “ENV rất hoan nghênh việc Bộ tái cam kết thực hiện mục tiêu quan trọng này. ENV cũng chân thành cảm ơn các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã nỗ lực đóng góp nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam”.

Bà Hà cũng cho biết thêm: “Tất cả các tổ chức, cá nhân, tùy thuộc vào kinh nghiệm và khả năng riêng của mình, đều có vai trò quan trọng và có thể đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Từ việc chăm sóc gấu và cung cấp một mái nhà an toàn cho gấu sau khi gấu được chuyển giao hay tịch thu từ các trang trại, hoặc thông qua nhiều cách khác để cùng chung tay chấm dứt ngành công nghiệp tàn nhẫn và phạm pháp này”.

Trên cơ sở các kết quả đạt được của chương trình tái gắn chíp tại Hà Nội, Tiến sĩ Karanvir Kukreja- Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (tổ chức đã đồng hành cùng Chính phủ khởi đầu nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu năm 2005) nhấn mạnh sự cần thiết phải ngay lập tức triển khai các hoạt động tiếp theo: “Chương trình tái gắn chíp cho gấu tại Hà Nội chỉ thực sự có ý nghĩa nếu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm theo dõi hiệu quả số lượng gấu tại các cơ sở nuôi nhốt cũng như đảm bảo chủ cơ sở không khai thác, buôn bán gấu nuôi dưới mọi hình thức”.

“Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đang có kế hoạch mở rộng chương trình tái gắn chíp đến những địa phương trọng điểm khác”, Tiến sĩ Karan cho biết thêm. “Chúng ta có quyền tự hào về những kết quả và thành công đã đạt được từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể dừng lại khi không còn một cá thể gấu nào bị nuôi nhốt trong các trang trại, và ngành công nghiệp mật gấu chấm dứt vĩnh viễn tại Việt Nam”.

ENV cũng hoan nghênh sự vào cuộc của tổ chức Four Paws International trong nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tổ chức Four Paws hiện đang xây dưng một trung tâm cứu hộ gấu chất lượng cao tại tỉnh Ninh Bình để tạo thêm không gian cho những cá thể gấu tịch thu được hoặc được chuyển giao từ các cơ sở nuôi nhốt gấu trên khắp cả nước.

Xem phim ngắn tái hiện các nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam tại đường dẫn sau: http://bit.ly/2ufQPiV

Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt công tác kiểm soát gấu nuôi nhốt qua chương trình tái gắn chíp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO