Thấp thỏm với nguồn phóng xạ thất lạc

08/04/2015 00:00

(TN&MT) - Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 chiều ngày 7/4, đại diện Bộ KH-CN, lãnh đạo Sở KH-CN, Công an...

                

(TN&MT) - Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Nhà máy (NM) luyện phôi thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chiều ngày 7/4, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), lãnh đạo Sở KH-CN, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) phối hợp với lãnh đạo NM luyện phôi thép Pomina 3 tổ chức truy tìm tại một số khu vực của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc tại huyện Tân Thành (tỉnh BR-VT)
Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc tại huyện Tân Thành (tỉnh BR-VT)

Theo nguồn tin lần tìm

 

13 giờ 30 phút chiều 7/4, đại diện lãnh đạo Bộ KH-CN cùng các cơ quan chức năng tỉnh BR-VT đã đến Khu xử lý rác Tóc Tiên (huyện Tân Thành) để dò tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc, theo tin báo của công nhân Trần Văn Toàn, người tìm thấy thiết bị nghi là nguồn phóng xạ hồi tháng 7/2014.

 

Theo lời thuật lại của anh Trần Văn Toàn, công nhân xử lý rác của Khu xử lý rác KBEC VINA, vào khoảng tháng 7 năm ngoái, anh cùng một số công nhân khác tại nhà máy trong quá trình làm việc đã nhìn thấy một vật nghi ngờ giống với nguồn phóng xạ Co-60. Sau đó, anh Toàn đã báo cáo cho lãnh đạo công ty. Vụ việc này cũng được Công ty KBEC VINA trình báo cho Công an xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành). Sau quá trình tìm hiểu thực tế, các công an viên của xã Tóc Tiên cho biết không có dấu hiệu khả nghi. Sau đó, các công nhân xử lý rác của Công ty KBEC VINA đã vứt vật khả nghi lại khu chôn lấp rác. Do thời gian đã lâu, thiết bị này bị chôn bên dưới hàng ngàn tấn rác sâu gần 10m.

 

Trong buổi chiều, các cơ quan chức năng đã sử dụng hai máy dò tìm ngay bãi rác mà anh Trần Văn Toàn chỉ đã chôn bên dưới. Sau gần 1 giờ đồng hồ tìm kiếm, thiết bị không phát hiện được tín hiệu của nguồn phóng xạ. Lãnh đạo Sở KH-CN tỉnh BR-VT cho biết, rất có thể do thời gian phát hiện vật thể này lâu và đang chôn sâu dưới lớp rác nên máy không dò tìm được. Sở sẽ phải xác định thêm thông tin của anh Toàn. Nếu đúng thiết bị chứa nguồn phóng xạ nằm ở bãi rác này thì cơ quan chức năng sẽ có thiết bị khác dò tìm cho bằng được. Chiều cùng ngày, các cơ quan chức năng tiếp tục đến một điểm nấu chì trên địa bàn huyện Tân Thành để dò tìm nguồn phóng xạ thất lạc.

 

Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh BR-VT, trong hai ngày 6 và 7/4, Sở có nhận một vài thông tin về nguồn phóng xạ bị mất. Đáng chú ý, Sở cũng có nhận được thông tin từ người dân, rằng có một đường dây chuyên mua bán lậu liên tỉnh các thiết bị phóng xạ. Trước thông tin này, Công an tỉnh BR-VT đang tổ chức xác minh một cách khẩn trương.

 

Chiều 7/4, lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT cho biết, đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị mất, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và môi trường. Theo đó, quy mô tìm kiếm sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Tại địa bàn BR-VT, công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ này được chia thành 3 nhóm, một nhóm rà tìm trong khu vực NM luyện phôi thép Pomina 3; các nhóm còn lại sẽ truy tìm tại các vựa ve chai trên địa bàn huyện Tân Thành, TP Bà Rịa...

 

Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường online, hiện công tác tìm kiếm đã được mở rộng đến các công ty xử lý rác thải trên địa bàn huyện Tân Thành, nhưng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh BR-VT vẫn chưa tìm kiếm được thông tin nào mới. Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) khẳng định, công tác tìm kiếm sẽ vẫn tiếp tục được triển khai một cách khẩn trương, để thu hồi lại nguồn phóng xạ bị mất, với sự hỗ trợ của nhiều máy móc hiện đại của Bộ KH-CN.

Nguồn phóng xạ rất nguy hiểm         

 

Theo GS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật và Hạt nhân, nguồn phóng xạ Co-60 đang thất lạc ở BR-VT có mức nguy hiểm rất lớn vì ở khoảng cách 10cm, nguồn phóng xạ có thể gây ra suất chiếu là 2,5mSv/h, trong khi mức cho phép với người bình thường là 1mSv một năm. Trong trường hợp rút nguồn phóng xạ ra khỏi buồng chì hay uranium bảo vệ thì sự chiếu xạ vào cơ thể dễ dàng xảy ra. Quá trình diễn biến đặc trưng sau khi bị chiếu xạ toàn thân từ một nguồn bức xạ xuyên thấu gồm ở giai đoạn tiền khởi, xảy ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và có thể sốt kèm tiêu chảy, tiếp theo là giai đoạn ủ bệnh thể hiện ở các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột.

 

Các biểu hiện trong thời gian này là do thiếu máu hoặc mất các tế bào thuộc dạ dày, ruột. Trường hợp chiếu xạ cục bộ, tùy theo liều chiếu, tại chỗ bị chiếu xuất hiện ban đỏ, phù nề, bỏng rộp khô và ướt, tróc vảy, đau đớn, hoại tử hoặc rụng lông. Những tổn thương da cục bộ tiến triển chậm theo thời gian (tuần, tháng) và có thể trở nên rất đau đớn, khó điều trị bằng cách thông thường.

 

Cũng theo ông Trần Thanh Minh, khi nhìn thấy nguồn phóng xạ bị thất lạc mà báo chí đăng tải, người dân không được rút lõi bên trong ra khỏi thiết bị bảo vệ bên ngoài. Thay vào đó, người dân để nguồn phóng xạ càng xa người càng tốt, có thể chôn xuống đất đồng thời báo cho cơ quan chức năng một cách sớm nhất.

 

Trong một diễn biến khác, trong ngày 8/4, Sở KH-CN TPHCM sẽ triển khai gắn thiết bị định vị để theo dõi 124 nguồn phóng xạ di động. Đây là động thái phòng ngừa những nguy hiểm do các thiết bị chứa nguồn phóng xạ gây ra sau khi xảy ra một số vụ mất loại thiết bị này tại TPHCM và tỉnh BR-VT gần đây. Trước đó vào ngày 15/9/2014, TPHCM cũng từng xảy ra mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave – Châu Á – Thái Bình Dương chi nhánh TPHCM. “Hú hồn” là 4 ngày sau, thiết bị này được tìm ra ở khu vực đường Vườn Lài, quận Tân Phú (TPHCM).

                                                                                      Bài & ảnh: Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm với nguồn phóng xạ thất lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO