Ngay lập tức, cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã tiến hành khảo sát thì phát hiện các di vật gồm 1 khối đá có hình chóp cụt, cao 48cm, được làm từ đá sa thạch. Mặt dưới là của khối đá có đáy hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 116cm, mặt trên có 4 cạnh với chiều dài mỗi cạnh khoảng 67cm. Từ đáy lên trên, hiện vật được giật 5 cấp. Ở tâm mặt trên có một lỗ tròn, đường kính khoảng 9cm, sâu khoảng 15 cm. Di vật thứ hai là khối đá hình khối lập phương màu xám đen, có cùng chất liệu với di vật thứ nhất, cao 38cm. Mặt dưới và trên di vật có hình chữ nhật bằng nhau với chiều dài và rộng là 58x50cm. Hiện vật được khoan 1 lỗ tròn xuyên tâm từ mặt trên thông xuống đáy. Đường kính lỗ tròn ở mặt trên là 10 cm, ở mặt dưới là 17cm, phần giữa được thắt eo với đường kính khoảng 6cm. Di vật thứ 3 là khối đá nằm trong khuôn viên nhà thờ Phú Thọ, có màu xám xanh, cùng chất liệu với hai di vật trên.
Hiện vật có hình khối lập phương, cao khoảng 40cm, chiều rộng và dài khoảng từ 55cm đến 65cm, xung quanh có đường nét trang trí thô sơ dạng rãnh lồi lõm, bị sứt mẻ nhiều. Các góc của di vật không vuông mà được bo tròn. Mặt trên có 1 rãnh nhỏ sâu khoảng 0,7cm, rộng 3cm. Di vật thứ tư là 2 viên gạch Chăm còn khá nguyên vẹn với thể tích khoảng 34cmx19cmx7cm. Ngoài ra, trong khu vực này còn vương vãi vô số những mảnh gạch Chăm vỡ. Tại đây, người dân khi cào một lớp đất cạnh rãnh thoát nước đã phát lộ ra một đoạn nền móng của công trình gồm nhiều lớp gạch chồng xếp lên nhau.
Theo ông Ngô Xuân Hiền-nhà nghiên cứu lịch sử Chăm-Pa, tài liệu duy nhất được biết cho đến nay có đề cập đến ngôi tháp Chăm ở khu vực Phú Thọ này là cuốn sách “Pơtao, une thé orio du pouvoir chez les Indochinois Jrai” của Jacques Dournes. Theo lý giải của ông Hiền, Pơtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jrai ở Đông Dương. Còn Jacques Dournes là 1 nhà nhân học người Pháp sống ở khu vực Tây Nguyên 25 năm (1946-1970), với vai trò là một nhà truyền giáo đam mê nghiên cứu dân tộc học, chuyên nghiên cứu về văn hóa Jrai và các tộc người vùng Tây Nguyên. Ông đã xuất bản cuốn “Pơtao, une thé orio du pouvoir chez les Indochinois Jrai” năm 1977 tại Pháp. Cuốn sách này là bản phát hành đề tài tiến sĩ của ông ấy tại trường Đại học Sorbonne năm 1973.
Tại trang 95 của sách có hình vẽ số 4 nói về xứ sở của các Pơtao trong tương quan với các tháp Chăm. Hình vẽ này thể hiện một tam giác có các đỉnh là tháp đôi (Quy Nhơn), tháp Yang Prong (Ban Mê Thuột) và tháp Hapal Bia (Kon Tum). Trong hình, tại khu vực Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, Gia Lai hiện nay) có các tháp Yang Mum và Drang Lai. Từ đường nối giữa tháp Hapal Bia (Kon Tum) với tháp Drang Lai đi qua một ngọn tháp có tên là Rong Yang, tháp này cách Plơiku (Pleiku) khoảng 10km. Vị trí này tương đối trùng khớp với vị trí phế tích tháp ở khu vực Phú Thọ hiện nay. "Từ những dữ liệu trên, có thể suy luận, tháp Rong Yang được thể hiện trong sách Pơtao, une thé orio du pouvoir chez les Indochinois Jrai” của Jacques Dournes chính là phế tích tháp ở khu vực Phú Thọ hiện nay", ông Hiền suy đoán.
Cũng theo ông Hiền, điều đáng nói là tất cả các ngọn tháp Chăm có trong hình vẽ của sách này cũng như các tháp Chăm còn hiện hữu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu người Pháp khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu đã mô tả, lập hồ sơ đầy đủ từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ở khu vực Tây Nguyên, Viện Viễn đông bác cổ Pháp có hồ sơ, tài liệu về các ngôi tháp như Yang Prong (Đak Lak), Hapal Bia (Kon Tum), Yang Mum, Drang Lai (Gia Lai), duy chỉ trừ tháp Rong Yang là không có. Nghĩa là tháp Rong Yang đã là phế tích, không còn hiện hữu trước thời điểm các nhà nghiên cứu Pháp tiến hành nghiên cứu về tháp Chăm. Do đó, không có thông tin, tài liệu về ngôi tháp này.
Ngoài ra, ông Hiền còn thắc mắc rằng Jacques Dournes sống ở khu vực Cheo Reo từ năm 1946-1970, thời điểm này ngọn tháp Rong Yang đã là phế tích, không còn tồn tại. Nhưng tại sao trong sách "Pơtao, une thé orio du pouvoir chez les Indochinois Jrai" lại có hình vẽ thể hiện tháp Rong Yang, đây là một câu hỏi lớn chưa có lời giải. Trong sách của mình, Jacques Dournes đã liệt kê hàng trăm tài liệu tham khảo của các bậc tiền bối nghiên cứu về Tây Nguyên đi trước; về vị trí của tháp Rong Yang trong hình số 4: Xứ sở của các Pơtao trong tương quan với các tháp Chăm nên chắc chắn đã được lấy từ một trong các tài liệu này. "Do đó, đề nghị các nhà nghiên cứu cần khảo cứu tất cả các tài liệu mà Jacques Dournes đã liệt kê để có thể tìm được những thông tin, tài liệu quý giá về ngôi tháp Rong Yang này. Bởi, đây là một trong những báu vật của người Chăm trên đất Tây Nguyên", ông Hiền đề xuất.
Được biết, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang đề nghị các cơ quan Trung ương vào khảo sát để xem xét, xây dựng kế hoạch khai quật khảo cổ khu vực phế tích tháp Chăm này. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang ấp ủ ước mơ xây dựng nơi này thành một địa điểm du lịch văn hóa lịch sử, được cho là một điểm nhấn lý thú cho phố Núi Pleiku.