Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên địa phận 3 xã gồm Hua Trai, Nậm Păm, Ngọc Chiến. Nơi đây có địa hình cao dốc, mức độ chia cắt mạnh, nhiều đỉnh cao trên 1.000m dọc theo dãy núi Sam Sít. Tổng diện tích khu bảo tồn vào hơn 15.800ha, có hệ động thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Việc thành lập khu BTTN Mường La nhằm quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên rừng, tính đa dạng sinh học và bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, nhất là loại vượn đen tuyền.
Theo số liệu thống kê, trong khu bảo tồn hiện có 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong danh lục đỏ IUCN 2010, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; sách đỏ Việt Nam 2007. Hệ động vật, đã thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, trong đó có 51 loài quý hiếm, một số loài có giá trị bảo tồn cao như Vượn đen tuyền, Niệc cổ hung, Niệc nâu… Ngoài ra, một số loài quý hiếm mới chỉ được xác định qua tài liệu và thông tin từ người dân địa phương, cần kiểm chứng lại thông tin như Beo lửa, Sói lửa, Báo hoa mai…
Ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Sơn La, cho biết: Chính từ tiềm năng lớn như thế, nhưng công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, dẫn tới tồn tại nhiều mối đe dọa với tài nguyên rừng, đa dạng sinh học ở nơi đây. Trung bình hàng năm vẫn xảy ra 4-5 vụ vi phạm về phá rừng, đốt nương làm rẫy, cháy rừng, khiến diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp dần, suy giảm tính đa dạng sinh học.
Ảnh minh họa |
Trải rộng trên địa bàn 3 xã, với 4 dân tộc sinh sống: Thái, Mông, La Ha, Kháng, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên rất khó khăn để chuyển giao các kỹ thuật sản xuất để thúc đẩy kinh tế, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước với vấn đề bảo vệ phát triển rừng.
Từ đây dẫn tới hiện tượng săn bắn, bẫy bắt các loài động vật rừng còn diễn ra tương đối phổ biến. Có tình trạng khai thác gỗ trái phép làm nhà, buôn bán và khai thác lâm sản ngoài gỗ để tiêu dùng tại địa phương và bán. Đây là nguyên nhân làm mất đa dạng sinh học, các loài thực vật bị khai thác cạn kiệt, mất đi sinh cảnh sống tự nhiên của nhiều loài động vật rừng. Cộng thêm một số loài cây thuốc quý hiếm đang bị người dân khai thác như lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, tắc kè đà… nên ngày càng trở nên khan hiếm.
Ngoài ra, còn tồn tại hàng loạt nguy cơ mất rừng khác như thu nhặt củi, thu hái lâm sản phụ, chăn thả gia súc tự do trong khu bảo tồn, mất rừng do làm đường giao thông, thủy điện, trồng cây thảo quả…
Ông Đỗ Văn Trường, Hạt phó Hạt kiểm lâm Mường La, đơn vị trực tiếp đang được giao nhiệm vụ quản lý diện tích rừng thuộc Khu BTTN cho biết: Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng các bản hoặc UBND xã quản lý, bảo vệ. Lực lượng kiểm lâm chỉ có 4 thành viên trên địa bàn 3 xã nên không thể tuần tra bảo vệ được hết diện tích rừng, dù đã phối hợp tốt với các đội tuần tra bảo vệ rừng của các bản, các xã, nhưng chưa phát huy được hiệu quả tối đa. Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn rất khó khăn.
Đặc biệt, quần thể vượn đen tuyền ở Mường La có khoảng 20-30 cá thể, đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam ở Trung Quốc. Đây là một quần thể thống nhất với quần thể vượn ở Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái). Tuy nhiên, ở Mù Cang Chải, các nỗ lực bảo tồn đã được triển khai từ năm 2001, trong khi có rất ít hoạt động bảo tồn và thông tin cơ sở từ vùng rừng Mường La.
Do đó, việc thành lập Khu BTTN Mường La là một việc làm rất cần thiết và cấp bách. Được biết, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Sơn La sẽ triển khai 6 chương trình, nhóm giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển rừng bền vững như quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; phục hồi sinh thái rừng; phát triển du lịch sinh thái rừng… Trước mắt, sẽ thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Mường La, xây dựng trụ sở làm việc của Khu BTTN Mường La tại đỉnh Sam Sít (xã Nậm Păm). Xây mới 3 trạm bảo vệ rừng tại 3 xã. Tổ chức đóng 170 cột mốc ranh giới tại những khu vực ranh giới chưa rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp. Kiện toàn bộ máy quản lý bảo vệ rừng đặc dụng các cấp, nâng cao nhận thức của người dân với bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm…
Bài & ảnh: Nguyễn Nga