Thanh kiểm tra việc chấp hành Luật KTTV: Những vấn đề còn “bỏ ngỏ” - Hội An Chủ động theo dõi thông tin, dữ liệu KTTV để phòng chống thiên tai

Lan Anh| 22/12/2022 10:01

(TN&MT) - Hội An là địa phương nằm cuối lưu vực Thu Bồn, có 7km bờ biển và xã đảo Tân Hiệp, có tuyến đường thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm. Việc chấp hành Luật Khí tượng thủy văn đã giúp địa phương giảm nhẹ các tác động bất lợi của thiên tai gây ra hằng năm.

Tại Hội An, năm nào phố cổ cũng ngập lụt vài ba lần. Toàn bộ những khu vực gần sông Hoài, tuyến đường Bạch Đằng, cầu An Hội, chùa Cầu, chợ Hội An đều trong tình trạng ngập sâu khi nước lũ dâng cao vượt qua mức báo động 3. Các khu vực đường Lê Lợi, Nguyễn Thái Học đều ngập sâu hơn 1m. Riêng tuyến đường Bạch Đằng giáp sông ngập sâu gần 3m…

9-2-.jpg

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, trong mùa mưa lũ, UBND Thành phố luôn theo sát chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động, phối hợp chặt chẽ với Trạm Thủy văn Hội An và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam để nắm thông tin kịp thời về lượng mưa, dự báo mưa lũ, thủy triều và việc hồ, đập xả lũ để chủ động chuẩn bị phương án phòng tránh thiên tai theo cấp độ rủi ro. Nhờ đó, quá trình chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác phòng tránh thiên tai nói riêng được đảm bảo.

Thông tin của các bản tin dự báo, lượng mưa, cảnh báo gió mạnh trên biển, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai được UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cập nhật liên tục từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam. Từ đó, TP. Hội An cũng bám sát các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ rủi ro để chủ động tuyên truyền và ứng phó cùng người dân.

Bên cạnh đó, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đã cung cấp bản tin dự báo chuyên đề vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm và Cửa Lở (huyện Núi Thành) theo tần suất 2 lần/ngày. Từ đây, các đơn vị chức năng chủ động hơn trong cấp phép cho phương tiện vào, rời bến Cửa Đại, bến Cù Lao Chàm.

9-3-.jpg

Trạm thuỷ văn TP. Hội An nằm sát bên sông Hoài được thực hiện tự động

“Trong công tác phòng tránh thiên tai cũng như trong chỉ đạo điều hành hoạt động phát triển kinh tế, việc nắm thông tin về tình hình thời thiết, thủy văn để có giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc là hết sức cần thiết như hoạt động giao thông thủy, sản xuất nông ngư nghiệp, hoạt động lễ hội... Do đó, Luật Khí tượng thủy văn là văn bản luật quan trọng để áp dụng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”, ông Hùng chia sẻ.

Trong bối cảnh các hiện tượng thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ của một số loại thiên tai có dấu hiệu gia tăng một cách đáng quan ngại như các trận siêu bão, lũ lụt… nhu cầu về các thông tin KTTV là vô cùng cần thiết đối với cộng đồng và mỗi người dân. Do vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý, tạo ra bước thay đổi quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội là yêu cầu cần thiết.

Đặc biệt, theo sát tình hình thời tiết trên vùng biển Cù Lao Chàm (liên quan hoạt động của các phương tiện khai thác thủy sản, hoạt động giao thông trên tuyến thủy nội địa) để thông tin kịp thời và có biện pháp chỉ đạo trong ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ các công trình xây dựng cơ bản.”- ông Hùng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh kiểm tra việc chấp hành Luật KTTV: Những vấn đề còn “bỏ ngỏ” - Hội An Chủ động theo dõi thông tin, dữ liệu KTTV để phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO