Thanh kiểm tra việc chấp hành Luật KTTV: Những vấn đề còn “bỏ ngỏ” - Công trình xây dựng phải sử dụng dữ liệu khí tượng thủy văn

Nguyên Sơn| 22/12/2022 10:01

(TN&MT) - Theo quy định của pháp luật, nhiều công trình tại địa phương nằm trong danh mục phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin KTTV về cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia. Đây vừa là quy định bắt buộc nhằm đảm bảo sự an toàn của công trình, đồng thời là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng giúp cho cơ quan dự báo của Tổng cục KTTV đưa ra các bản tin cảnh báo thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Sử dụng thông tin chưa hiệu quả

Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 quy định về quan trắc KTTV của các chủ công trình nêu rõ: Các công trình khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện KTTV mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định. Các thông tin, dữ liệu quan trắc KTTV phải được cung cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia và cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia.

9a.jpg

Thứ trưởng Lê Công Thành cùng Đoàn công tác của BCĐ quốc gia về PCTT kiểm tra công tác ứng phó thiên tai, thực thi pháp luật KTTV tại Dự án Hồ chứa nước Ea H,Leo 1, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Tùng

Theo quy định của Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn, nhiều công trình phải quan trắc KTTV như: Sân bay dân dụng; Đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500m trở lên; Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp…

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực KTTV tại các địa phương thời gian qua cho thấy, nhiều chủ công trình chưa tuân thủ nghiêm túc. Ví dụ, tại tỉnh Điện Biên, Công trình thủy điện Nậm Mức đã tổ chức hoạt động quan trắc KTTV, tuy nhiên chưa đầy đủ việc quan trắc các yếu tố KTTV theo quy định tại Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ. Chủ công trình đã truyền dữ liệu quan trắc KTTV về Cục Quản lý tài nguyên nước, tuy nhiên chưa cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc về Tổng cục KTTV và Sở TN&MT tỉnh Điện Biên; chưa xuất trình được hồ sơ kiểm định phương tiện đo KTTV theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại tỉnh Thái Bình, Đoàn kiểm tra nhận thấy, hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTV của tỉnh còn đang tiếp nhận thông tin dạng văn bản, chưa có thiết bị tiếp nhận dữ liệu tự động, trực tuyến, nên việc cập nhật thông tin chưa kịp thời và chưa đáp ứng đầy đủ cho việc khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Công tác khai thác, sử dụng và thẩm định, thẩm tra nguồn gốc thông tin, dữ liệu KTTV đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng đúng mức theo quy định tại Điều 32 Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tăng cường phối hợp

Thống kê cho thấy, hiện nay, mạng lưới trạm KTTV quốc gia có 1.804 trạm/điểm quan trắc KTTV, đạt 30% so với Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng trạm KTTV được tự động các yếu tố cơ bản là 1.395 trạm/điểm (đạt khoảng 77,3%), còn lại là quan trắc thủ công và bán tự động. Có thể thấy, mạng lưới trạm KTTV quốc gia nhìn chung còn thưa, tỷ lệ trạm tự động còn thấp. Do đó, việc sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV từ các công trình phải quan trắc theo quy định là rất cần thiết.

Trong bối cảnh đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về công tác phòng chống thiên tai và công bố kết luận việc kiểm tra thi hành pháp luật KTTV năm 2022, lãnh đạo Tổng cục KTTV đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sớm nghiên cứu, khắc phục một số tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về KTTV; tiếp tục triển khai, ban hành các văn bản quản lý nhà nước về KTTV trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 53 Luật Khí tượng thủy văn.

Trong buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên mới đây, Đoàn kiểm tra của Tổng cục KTTV cũng kiến nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, tổ chức có công trình KTTV chuyên dùng khắc phục các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong việc giám sát, quản lý các hoạt động quan trắc, cung cấp thông tin dữ liệu của các chủ công trình KTTV chuyên dùng nhằm đảm bảo có đủ thông tin chính xác, tin cậy, kịp thời để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV phòng chống giảm nhẹ thiên tai và vận hành an toàn các công trình đặc biệt là hệ thống liên hồ chứa.

Việc lắp đặt các trạm quan trắc KTTV tại các công trình giúp đảm bảo an toàn công trình, đồng thời còn cung cấp số liệu KTTV phục vụ hữu ích cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Việc kiểm tra thi hành pháp luật KTTV của Tổng cục KTTV tại các địa phương thời gian qua cũng là giải pháp nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, cùng hướng đến lợi ích chung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh kiểm tra việc chấp hành Luật KTTV: Những vấn đề còn “bỏ ngỏ” - Công trình xây dựng phải sử dụng dữ liệu khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO