Thanh, kiểm tra ngành TN&MT: Cần xây dựng cơ chế phối hợp

28/03/2017 00:00

(TN&MT) - Công tác thanh kiểm tra luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngành tài nguyên môi trường, góp phần xử lý các sai phạm, nâng hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước về ngành. Tuy vậy, bên cạnh những việc đã làm được vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Thanh tra chồng chéo, chậm khắc phục

Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, năm 2016, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc và 59 Sở TN&MT các tỉnh thành phố tính đến ngày 31/01/2017, toàn ngành đã triển khai 2.017 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 44 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 1.973 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.975 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 2.896 tổ chức, cá nhân có vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.497 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 93 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.948 ha đất, 37 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đối với 3 tổ chức.

Tồn tại chồng chéo trong công tác thanh tra chuyên ngành. Ảnh: Hoàng Minh
Tồn tại chồng chéo trong công tác thanh tra chuyên ngành. Ảnh: Hoàng Minh

Về thanh tra trách nhiệm, toàn ngành đã thực hiện 37 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 73 đơn vị năm 2016, trong đó Bộ đã thực hiện 6 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của UBND 6 tỉnh, thành phố; các Sở đã tiến hành 31 cuộc đối với 67 đơn vị. Kết quả thanh tra đã phát hiện 71% số đơn vị có sai phạm, đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 29 đơn vị với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, kiến nghị truy thu số tiền 77 triệu đồng.

Tuy vậy, vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra chuyên ngành (nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường) giữa các Bộ, ngành diễn ra phổ biến (công tác thanh tra về đất đai, khoáng sản được giao cho Bộ nhưng Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra; công tác thanh tra về môi trường được giao cho Bộ nhưng Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an cũng thực hiện thanh tra).

Bên cạnh đó, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng thực tế, tỷ lệ thu hồi tiền, đất và các tài sản qua thanh tra vẫn còn thấp (mới chỉ thu hồi được khoảng trên 40% so với tổng số sai phạm đã phát hiện); việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra còn hạn chế (mới chỉ đạt 6% tổng số kết luận thanh tra đã được ban hành) dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân sau thanh tra, kiểm tra chậm hoặc không thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Việc theo dõi quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức chưa chặt chẽ nên việc triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất phần lớn vẫn còn bị động; đa số các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Lý giải nguyên nhân của việc này, Thanh tra Bộ TN&MT cho rằng, lực lượng làm công tác thanh tra trong toàn ngành còn mỏng. Cụ thể, ở Bộ bình quân khoảng 2 cán bộ/1 tỉnh/8 lĩnh vực; ở địa phương khoảng 7 cán bộ/1 tỉnh/8 lĩnh vực. Trong khi đó, còn phải cử cán bộ tham gia, phối hợp các đoàn công tác liên ngành do các Bộ, ngành khác chủ trì nên thiếu nhân lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất.

Đồng thời, một số vụ việc phức tạp, hồ sơ tài liệu lưu giữ ở địa phương không đầy đủ, hiện trường vụ việc đã bị thay đổi nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, làm rõ các nội dung liên quan, bên cạnh đó, có vụ việc còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan Trung ương, giữa cơ quan Trung ương với địa phương, dẫn đến việc chậm ban hành văn bản giải quyết. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là công việc đột xuất, nên việc bố trí lực lượng đi giải quyết còn bị động.

Ngoài ra, một số địa phương chưa chủ động báo cáo lên Bộ về những sự cố, vấn đề phức tạp phát sinh mà tự xử lý, đến khi không xử lý được mới báo cáo xin ý kiến Bộ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng đến công tác tổng kết, rút kinh nghiệm sau thanh tra, kiểm tra, chưa quan tâm đến công tác tổng hợp, báo cáo, dẫn đến việc chậm trễ báo cáo định kỳ và chất lượng báo cáo không đáp ứng được yêu cầu.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra ngành tài nguyên môi trường, Thanh tra Bộ cho biết, bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật ngành tài nguyên môi trường và các pháp luật liên quan cần xây dựng chương trình công tác cụ thể để triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2017 của Bộ được Bộ trưởng phê duyệt. Trong đó, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng của từng đơn vị trực thuộc Bộ; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các Tổng cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, với địa phương và các cơ quan có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được phê duyệt.

Căn cứ vào kế hoạch thanh tra kiểm tra đã được phê duyệt, các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch, dự kiến các đoàn để triển khai việc thanh tra, kiểm tra ngay từ các tháng đầu năm, không để xảy ra tình trạng tập trung vào cuối năm hoặc thực hiện không đúng kế hoạch trừ trường hợp thanh tra đột xuất.

Trong đó, quá trình thanh tra cần lồng ghép thanh tra chuyên ngành với thanh tra trách nhiệm, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ theo nhóm lĩnh vực, phối hợp liên ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, giảm số lượng đoàn, hạn chế chồng chéo để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Thanh tra đến đâu phải có kết luận đến đó. Kết luận thanh tra phải xác định rõ đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý trách nhiệm, giải pháp khắc phục và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ…

Tuyết Nhi - Doãn Xuân

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh, kiểm tra ngành TN&MT: Cần xây dựng cơ chế phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO