Xã hội

Thanh Hóa tạo thêm điểm tựa vững chắc cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Thanh Tâm 29/07/2023 09:56

(TN&MT) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho nhiều ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển.

Bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ, có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đây được xem là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Theo cáo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 58 tàu cá đóng mới theo NĐ67CP, gồm: 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác, trong đó: 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ.

Từ khi các tàu đóng mới đi vào hoạt động khai thác đến nay, có 27 tàu thường xuyên hoạt động thua lỗ, không thực hiện trả nợ vốn vay cho ngân hàng, ngân hàng khởi kiện và bán đấu giá.

anh-1(2).jpg
Còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 21 tàu cá đang hoạt động, gồm: 05 tàu dịch vụ hậu cần và 16 tàu khai thác, trong đó: 12 tàu vỏ thép và 09 tàu vỏ gỗ; các tàu tổ chức sản xuất trên biển theo Tổ đoàn kết, khai thác ở ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ, một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và vùng biển xa.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn như: Ngư trường khai thác bị thu hẹp do Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc hết hiệu lực, các tàu cá không được sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ khai thác; sản lượng khai thác thấp, sản phẩm có giá trị kinh tế khai thác không nhiều, hiệu quả chuyến biển thấp.

Nhiều chủ tàu chưa thực hiện trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng, cố tình chây ỳ, thiếu trung thực trong việc khai báo thu nhập thực tế với ngân hàng để trả nợ, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách; mặc dù đã được các ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần, chuyển sang nợ quá hạn nhưng các chủ tàu vẫn không trả nợ làm phát sinh các vụ kiện ra tòa án dẫn đến phải thực hiện quy trình thi hành án dân sự với việc các chủ tàu bị kê biên tài sản bằng chính con tàu.

Chi phí chuyến biến tăng do giá nhiên liệu tăng cao, thiếu lao động tham gia hoạt động khai thác dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản không nhiều, một số tàu cá đậu bờ.

Cần nhiều giải pháp thiết thực

Trước những khó khăn nêu trên, ông Nguyễn Xuân Đồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Đơn vị sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các hình thức thông tin trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản.

a2.jpg
Cần đồng hành hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đồng thời, rà soát các tàu cá hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối với cơ quan quản lý tàu cá gửi các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp xử lý; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Tiếp tục hướng dẫn ngư dân sản xuất theo mô hình Tổ đoàn kết trên biển, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển và mở rộng ngư trường khai thác hải sản ở các vùng biển xa như: Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để nâng cao hiệu quả đánh bắt; hướng dẫn các chủ tàu thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với tàu vỏ thép để có biện pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động; áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, sử dụng đèn led trong khai thác để nâng cao hiệu quả.

Xét về tầm vĩ mô, chính sách cho vay theo Nghị định 67 chính là động lực cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nếu không đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, hệ lụy nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng cũng như nền kinh tế chung.

Trước những khó khăn của nghề khai thác thủy sản để hỗ trợ các ngư dân, cùng nhau khai thác có hiệu quả, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đã ra đời CLB “Ngư dân trẻ vươn khởi bám biển” là điểm tựa vững chắc cho thuyền viên trẻ cùng nhau vươn khơi bám biển, bảo vệ vùng biển quê hương.

Thành lập từ năm 2014, CLB tập hợp các thanh niên là ngư dân trẻ với tinh thần nhiệt huyết, xung kích cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, giúp đỡ nhau trong đánh bắt hải sản tại các ngư trường xa bờ, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 100% tàu của CLB đều gắn thiết bị định vị, luôn mở 24/24 và không có trường hợp khai thác bất hợp pháp. Đây được xem là điểm sáng, cần được nhân rộng trên địa bàn các xã ven biển để làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa tạo thêm điểm tựa vững chắc cùng ngư dân vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO