Những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ công trình đê điều đã được các cấp, các ngành tại Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai vẫn còn xảy ra, điển hình như: Xây dựng công trình, nhà ở, tập kết vật liệu, đổ rác thải sinh hoạt trong phạm vi bảo vệ đê điều; lấn chiếm lòng sông, bãi sông; tình trạng khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi không đúng quy định; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa yêu cầu các địa phương không để người dân, doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều |
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ đê điều năm 2021, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai một số công việc.
Cụ thể, tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm từng vụ vi phạm, không để kéo dài, tồn đọng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra vi phạm.
Tình trạng lấn chiếm lòng sông tại huyện Hoằng Hóa |
Đồng thời, quản lý chặt chẽ bãi sông không để người dân, doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông, đảm bảo phù hợp Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tổ chức phát quang mái đê, chân đê và thu dọn vật liệu, rác thải ra khỏi phạm vi bảo vệ đê ở tất cả các tuyến đê trên địa bàn địa phương; hướng dẫn việc tập kết rác thải đúng nơi quy định; nghiêm cấm việc tập kết vật liệu và đổ rác thải trên mặt, mái, chân đê và trong hành lang bảo vệ đê.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả và xử phạt nghiêm đối với các xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, gây hư hỏng mặt đê. Huy động vật tư, phương tiện và nhân lực sửa chữa mặt đê bị hư hỏng đảm bảo công tác hộ đê phòng chống lụt bão. Kiểm tra, rà soát các thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng các công trình của người dân, doanh nghiệp trên các triền sông, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Sẽ thu hồi giấy phép của các đơn vị khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi nếu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, sạt lở bờ, bãi sông |
Chủ động phối hợp với các ngành: Công an, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, sạt lở bờ, bãi sông.