Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, hiện nay có 400.000 ha trồng các loại cây hàng năm thì lượng rác thải từ bao bì phân bón, thuốc BVTV bình quân lên tới hơn 600 tấn. Cứ bình quân 1 ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 1 đến 1,5 kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV. Với 1 ha trồng cây hoa, rau mỗi vụ thải ra 3 đến 5 kg rác thải từ phân bón và thuốc BVTV.
Mô hình thùng chứa rác thải trên cánh đồng đang là biện pháp hữu hiệu để thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV, chất thải rắn tại huyện Hoằng Hóa |
Tại các địa phương phần lớn lượng rác thải bị vứt bỏ tràn lan trên các bờ ruộng, bờ kênh mương thoát nước, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để xử lý vấn đề rác thải rắn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường cần triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình xây dựng, đưa vào sử dụng thùng chứa rác thải trên các cánh đồng.
Trong năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện Hoằng Hóa đã phát động phong trào xây dựng mô hình thùng chứa rác thải ngay trên cánh đồng. Từ đó, lượng rác thải từ phân bón và thuốc BVTV được thải ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp được thu gom đáng kể lượng rác thải rắn trong sản xuất nông nghiệp gồm bao bì, vỏ thuốc BVTV, phân bón, các loại thuốc kích thích tăng trưởng.
UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo cho các cấp hội, đoàn thể, hội cựu chiến binh xã tuyên truyền, vận động các hội viên và bà con nông dân chung sức nhân rộng mô hình xây dựng thùng chứa rác thải tại các cánh đồng sản xuất nông nghiệp. Qua triển khai thực hiện, đến nay tại xã Hoằng Tân đã xây dựng được hơn 80 thùng chứa rác thải rắn có thiết kế hình tròn, với chiều rộng 70 cm và cao 50 cm, làm bằng bê tông, có đế, có nắp đậy và đặt ở đầu đường, gần mương nước, nơi thuận tiện nhất cho người dân dễ dàng bỏ rác thải sau khi đã sử dụng. Đồng thời, hội cựu chiến binh xã cũng phối hợp với các đoàn thể khác tuyên truyền để bà con nông dân tự giác thu gom, bỏ rác thải rắn vào trong bể chứa, góp phần bảo vệ môi trường.
Các thùng chứa rác thải làm bằng bê tông được đặt ở nơi thuận tiện nhất để người dân dễ dàng bỏ rác thải sau khi đã sử dụng |
Riêng Hội Cựu chiến binh xã Hoằng Phượng hiện có trên 300 hội viên, sinh hoạt tại các chi hội thôn, xóm. Hàng năm, Hội Cựu chiến binh trong xã đã chủ động lập kế hoạch, mục tiêu cụ thể tổ chức các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh xã cũng chỉ đạo đồng loạt các chi hội tổ chức ra quân đảm nhiệm các phần việc liên quan đến môi trường, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoằng Phượng chia sẻ: Đối với công tác môi trường, Hội Cựu chiến binh xã Hoằng Phượng đã phân công 4 đội là các hội viên Hội Cựu chiến binh, mỗi đội từ 7-8 người, luân phiên phối hợp với tổ bảo nông xã, thường xuyên đảm nhiệm khâu bảo vệ môi trường tại 7 đoạn kênh mương có nguy cơ ô nhiễm. Các tổ đội này có trách nhiệm thu gom rác tại các vị trí được giao, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền người dân không vứt, xả rác bừa bãi ra đường đi hay xuống kênh mương. Nhờ đó ý thức của người dân được nâng cao, các đường đi, lối xóm trở nên sạch sẽ, ít rác thải.