Thanh Hóa: Ra "tối hậu thư" cho các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai
Thanh Hóa hiện có 339 dự án chậm tiến độ, trong đó có 154 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng đáng báo động. Trước thực trạng trên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, đặc biệt kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai.
Báo động tình trạng gia tăng các dự án chậm tiến độ
Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi thì trên địa bàn tỉnh hiện có 339 dự án không thực hiện hoặc thực hiện đầu tư dự án chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất), tăng 96 dự án so với những năm trước. Trong đó: Có 18 dự án không triển khai thực hiện, không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục; Có 321 dự án chậm tiến độ đầu tư, trong đó có 154 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Việc xem xét gia hạn thời gian (tiến độ) thực hiện dự án đầu tư được thực hiện theo cả Luật đầu tư và Luật đất đai. Thực tế có một số dự án sau khi hết thời gian thực hiện theo quy định, thì thời gian thực hiện dự án có thể sẽ được kéo dài thêm 72 tháng (gồm 24 tháng được điều chỉnh tiến độ theo Luật Đầu tư + 24 tháng được chậm tiến độ theo Luật Đất đai + 24 tháng được UBND tỉnh quyết định gia hạn theo Luật Đất đai), chưa kể thời gian gia hạn do bất khả kháng.
Các dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu từ phía chủ đầu tư. Có một số dự án được giao đất trước thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực nhưng công tác GPMB (thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện) chậm trễ, kéo dài. Một số dự án chịu ảnh hưởng bởi hạ tầng phục vụ dự án do Nhà nước đầu tư nhưng chưa hoàn thiện hoặc ảnh hưởng của công trình xung quanh dẫn đến khó triển khai hoặc không thể triển khai. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp nguồn vốn, nguồn lao động và việc thi công đầu tư dự án.
Một số nhà đầu tư khi xây dựng dự án có tính khả thi không cao, do xây dựng mục tiêu, quy mô chưa sát với tình hình thực tế; hoặc do năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý đầu tư dự án hạn chế, giữ đất để tìm kiếm liên kết hoặc chờ cơ hội để chuyển nhượng dự án; hoặc do chưa tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án dẫn đến thực hiện thủ tục đầu tư dự án chậm trễ hoặc sai phạm... dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Đồng thời xuất phát nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước như: công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn của một số sở, ngành, UBND cấp huyện đối với các nhà đầu tư có lúc có nơi trách nhiệm chưa cao, chưa kịp thời; Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến dự án (cấp GPXD, điều chỉnh QHXD, đánh giá tác động môi trường, PCCC...) còn tương đối dài, liên quan đến nhiều ngành; Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát về đất đai chưa được thường xuyên; chưa có hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại.
Việc cơ quan nhà nước điều chỉnh QHXD hoặc định hướng lại sự phát triển của các tuyến đường tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến dự án, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, làm chậm tiến độ thực hiện.
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cả về trước mắt và lâu dài cần trong phiên chất vấn chiều 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở TN&MT - ông Lê Sỹ Nghiêm đã đề xuất một số giải pháp cụ thể:
Đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa quá 24 tháng: Đôn đốc các chủ đầu tư tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, chủ đầu tư chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết.
Đối với các dự án chậm tiến độ đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng: Đối với những dự án chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu hoặc mục tiêu, quy mô dự án không còn phù hợp thì hướng dẫn chủ đầu tư tự nguyện trả đất (theo luật đất đai) hoặc báo cáo chấm dứt dự án đầu tư (theo luật đầu tư) để tránh lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và chủ đầu tư. Tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư chậm tiến độ và đã được gia hạn sử dụng đất khẩn trương tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đảm bảo thời gian. Yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện việc báo cáo định kỳ về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ sử dụng đất. Trường hợp không hoàn thành dự án trong thời gian được gia hạn thì tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc tham mưu đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, các đơn vị có liên quan theo dõi dự án sau khi được chấp thuận đầu tư, giao đất, cho thuê đất: Cụ thể:
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, giám sát tiến độ đầu tư của các dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư; chủ trì, phối hợp với các ngành và chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án;
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tiến độ thực hiện các dự án chậm tiến độ đầu tư chưa quá 24 tháng; thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng và do bất khả kháng; xây dựng hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại; bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các dự án trên địa bàn.
Giao Thanh tra tỉnh và các Sở, ngành có liên quan phối hợp, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư; thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, đối với các dự án chậm chưa quá 24 tháng thì các đơn vị sở, ngành, địa phương phải đôn đốc thực hiện nếu vướng mắc thì phải phối hợp các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo theo định kỳ.
Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, chậm tiến độ, không triển khai dự án thì kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.
Cũng tại phiên chất vấn chiều ngày 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Đặc biệt, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Phát biểu, làm rõ hơn một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh về lĩnh vực đất đai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 3245 dự án giao đất, cho thuê đất, có 339 dự án chậm tiến độ, 154 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng vi phạm quy Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh cam kết thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai, tăng cường thanh tra phát hiện các dự án sai phạm. Yêu cầu Sở TNMT phối hợp với các huyện, thị xã kiểm tra lập biên bản các dự án chậm tiến độ để làm căn cứ gia hạn hoặc thu hồi dự án. Nhiều dự án chưa nộp tiền chậm tiền sử dụng đất, chưa xây thô, chưa hoàn thiện, yêu cầu các sở ban ngành đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thiện hạ tầng.