Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Ngọc Lặc (01 thị trấn huyện lỵ và 20 xã) với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng theo hướng khang trang, hiện đại; phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh Thanh Hóa vào năm 2025 và hướng tới phát triển đô thị trên toàn huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trước năm 2030. Đến năm 2030, huyện Ngọc Lặc đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV và đến năm 2040 trở thành thị xã.
Quy hoạch xây dựng huyện Ngọc Lặc với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường |
Về tính chất, chức năng, trung tâm tổng hợp của vùng liên huyện, gồm: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thường Xuân, là trung tâm văn hóa xã hội của vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa với trọng tâm là phát triển đô thị gắn với phát triển các ngành có ưu thế như: Công nghiệp; thương mại - dịch vụ; y tế; giáo dục đào tạo; văn hóa thể thao, có vai trò động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng liên huyện và khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, dân số hiện trạng năm 2019 là 136.611 người. Dự báo đến năm 2040: dân số toàn huyện khoảng 157.200 người, dân số đô thị khoảng 106.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 68%; Đất xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 2.500ha - 3.000 ha. Hệ thống các trung tâm cấp huyện: Lấy thị trấn Ngọc Lặc làm trung tâm chính, phát triển thêm một số các trung tâm cấp huyện thứ cấp khác dọc theo đường Hồ Chí Minh như Ba Si, Phố Châu; Phát triển một số các trung tâm cụm xã phục vụ cho các tiểu vùng như Nguyệt Ấn - tiểu vùng phía Nam, Ngọc Trung - tiểu vùng phía Đông, Cao Ngọc - tiểu vùng phía Tây. Các trung tâm xã ổn định tại các vị trí hiện có.
Quy hoạch huyện Ngọc Lặc cũng sẽ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho khu vực đô thị và vùng phụ cận. Tại các KCN và CNN, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải riêng để thu gom và xử lý nước thải tại chỗ. Đối với khu vực nông thôn: Nước thải được xử lý sơ bộ trong các hộ gia đình qua hệ thống bể tự hoại sau đó thoát chung vào hệ thống thoát nước mưa. Bố trí khu xử lý CTR tại xã Minh Sơn phục vụ cho toàn bộ huyện Ngọc Lặc: đến năm 2030 công suất khoảng100-150 tấn/ngày đêm, đến năm 2040 công suất khoảng 200-250 tấn/ngày đêm, công nghệ hỗn hợp hoặc đốt.
UBND huyện Ngọc Lặc có trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch để đóng dấu, lưu trữ theo quy định. Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch được duyệt trong thời gian 15 kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt. Tổ chức, chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, thực hiện đầu tư quỹ đất theo quy hoạch được duyệt.