Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và từng bước đi vào nề nếp, phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu nổ cho nhiều dự án trọng điểm, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng VLNCN chưa tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định của pháp luật, còn vi phạm trong quá trình sử dụng VLNCN ảnh hưởng đến các công trình cần bảo vệ như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình trọng điểm của tỉnh và quốc gia, đồng thời dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người lao động, đời sống người dân. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng để thất thoát vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển, buôn bán trái phép và sử dụng vật liệu nổ không đúng vị trí, đúng mục đích được cấp phép quy định.
Nguyên nhân chính của thực trạng nêu trên là do sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương liên quan chưa chặt chẽ, ý thức trách nhiệm của một số địa phương, đơn vị có hoạt động VLNCN chưa cao, chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN. Để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong bảo quản và sử dụng VLNCN, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đối với:
Sở Công Thương: Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến VLNCN cho các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo cho những người liên quan đến việc quản lý, sử dụng VLNCN.
Không thẩm định, cấp Giấy phép sử dụng VLNCN đối với các mỏ khoáng sản nằm trong khu di tích, danh lam thắng cảnh cần bảo vệ nguyên trạng; kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng VLNCN trong khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng VLNCN gần các công trình công cộng, các công trình trọng điểm, các công trình cần bảo vệ và khu dân cư. Tạm dừng hoặc thu hồi Giấy phép sử dụng VLNCN đối với các trường hợp khai thác, thi công không đúng theo thiết kế, vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn.
Chủ trì đánh giá và đề xuất các giải pháp phù hợp đối với các dự án sử dụng VLNCN có khả năng gây mất an toàn cho các công trình công cộng, các công trình trọng điểm, các công trình cần bảo vệ và khu dân cư; báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thanh Hóa tăng cường quản lý và sử dụng vật liệu nổ đúng quy định, đặc biệt tại các mỏ khai thác khoáng sản |
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra các thủ tục về đất đai, môi trường, tiêu chuẩn Giám đốc điều hành mỏ, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hàng năm, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về VLNCN, trình UBND tỉnh ban hành; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về công tác quản lý hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh. 2.
Đối với Công an tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện, duy trì các điều kiện về an ninh trật tự đối với các đơn vị có hoạt động VLNCN. Trong quá trình quản lý nếu phát hiện việc sử dụng VLNCN không đúng theo Giấy phép sử dụng VLNCN đã cấp, hoặc việc sử dụng VLNCN có khả năng ảnh hưởng đến các công trình cần bảo vệ, hoặc việc sử dụng VLNCN không đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đơn vị có văn bản gửi Sở Công Thương để phối hợp quản lý theo quy định. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc chấp thuận địa điểm bảo quản, sử dụng VLNCN theo quy định.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động VLNCN để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo quản, sử dụng VLNCN. Thông báo các vụ việc vi phạm cho Sở Công Thương tổng hợp báo cáo.
Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Ban Quản lý khu kinh tế và các Khu công nghiệp: Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương trong công tác quản lý nhà nước đối với các dự án khai thác khoáng sản, thi công công trình có sử dụng VLNCN thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Thực hiện rà soát trước khi tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận các công trình, dự án có sử dụng VLNCN nằm gần hoặc trong khu vực có di tích hoặc các công trình cần bảo vệ; phối hợp với Sở Công Thương xem xét việc ảnh hưởng của công tác sử dụng VLNCN đến các công trình này.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, nếu xét thấy việc sử dụng VLNCN của các đơn vị khai thác khoáng sản, thi công công trình có khả năng ảnh hưởng đến các công trình cần bảo vệ thuộc phạm vi đơn vị quản lý thì các đơn vị có văn bản gửi Sở Công Thương để phối hợp quản lý theo quy định…