Thanh Hóa: Phát lệnh báo động trên các sông lớn, công bố các tình huống khẩn cấp
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa sáng này vừa phát lệnh cảnh báo trên một loạt sông lớn, yêu cầu các địa phương lên phương án hộ đê, di dời dân. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng công bố tình huống khẩn cấp ở 3 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng.
Phát lệnh báo động trên sông Mã, sông Bưởi
Trưa 23/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá có Công điện số 29 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã: Thạch Thành, Vĩnh Lộc về việc phát lệnh báo động 3 trên sông Bưởi.
Hồi 9 giờ ngày 23/9, mực nước trên sông Bưởi tại Trạm Thủy văn Kim Tân là (+11.51m) dưới báo động 3 là 0,49m. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong 12 giờ tới, mực nước lũ trên sông Bưởi tiếp tục lên; mực nước tại Trạm Thủy văn Kim Tân có khả năng lên mức báo động 3 (+12.00m) vào khoảng 19-21 giờ ngày 23/9/2024.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện phát lệnh báo động 2 trên sông Mã gửi Chủ tịch UBND các huyện, TP gồm: Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn.
Theo công điện, hiện nay, mực nước sông Mã đang lên nhanh. Hồi 4 giờ ngày 23/9, mực nước sông Mã đo được tại Trạm Thủy văn Lý Nhân là +10,51 m, dưới mức báo động 2 là 0,49 m; tại Trạm Thủy văn Giàng là +4,69 m, dưới mức báo động 2 là 0,81 m.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo mực nước sông Mã tại Trạm Thủy văn Lý Nhân có khả năng đạt mức báo động 2 (+11 m) vào khoảng 9-11 giờ ngày 23/9; tại Trạm Thủy văn Giàng có khả năng đạt mức báo động 2 (+5,50 m) vào khoảng 8-10 giờ ngày 23/9.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
Chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động đi lại, vớt củi, đánh bắt thủy sản ven sông, trên sông.
Cấm các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ các xe hộ đê, xe kiểm tra đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, cứu thương, cứu hỏa, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố đê điều, phòng chống thiên tai).
Tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay khi có tình huống xấu xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ứng phó sự cố, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Công bố tình huống khẩn cấp 3 vị trí bị sạt lở
Chiều 22 và sáng 23/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp đối với 3 điểm sạt lở tại các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc và Lang Chánh.
Tại xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc sạt lở đất mái taluy dương kênh Chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500. Chiều dài cung sạt lở đất khoảng 150 m, rộng khoảng 100 m; sạt lở đất từ cao trình (+95.00) m vùi lấp đất đá xuống lòng kênh Chính (cao trình bờ kênh +37.00 m), khối lượng đất đá sạt lở khoảng trên 150.000 m3, hiện đã lấp kín và gây ách tắc lòng kênh đi qua vị trí này; có nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống tại thôn Hợp Thành, xã Phùng Giáo, đặc biệt là 4 hộ dân/19 nhân khẩu sinh sống ngay bên bờ tả kênh (đối diện với cung sạt trượt) và người dân, phương tiện khi tham gia giao thông dọc tuyến kênh.
Tại huyện Lang Chánh, mưa lớn kéo dài đã gây ra sự cố sạt lở đồi đất phía sau công trình xây dựng Trường THCS Lâm Phú. Quy mô sạt lở: chiều dài khoảng 75m, cao khoảng 13m, làm sập đổ hoàn toàn khu nhà vệ sinh, tràn vào tầng một và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạng mục công trình Nhà lớp học 02 tầng 08 phòng (cột bị nghiêng, gãy, bong lộ cốt thép; nứt móng, tường; có nguy cơ cao bị sập đổ). Huyện đã di dời toàn bộ học sinh đến học tạm tại trường tiểu học xã; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cắt cử lực lượng chức năng trực 24/24h.
Tại đồi đất phía sau Trường THCS&THPT Như Xuân cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Quy mô sạt lở: chiều dài cung sạt khoảng 90m, đỉnh cung sạt cách chân mái taluy khoảng 50m, chiều rộng vết nứt từ 30 - 40cm, chiều cao sụt khoảng 50cm, làm tường chắn đất mái taluy bị trượt, đứt gãy khoảng 50m, đất đá sạt lở đã chạm chân tường phía sau nhà đa năng và nhà lớp học 2 tầng.
Hiện, mưa lớn vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng sạt lở, nước lũ dâng cao diễn biến phức tạp ở nhiều huyện miền núi. Lực lượng chức năng các huyện đang căng mình ứng phó với sạt lở, nước lũ dâng cao. Đồng thời, di dời các hộ dân tới nơi an toàn, túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.