Thanh Hóa: Ô nhiễm nước mặt do nước thải công nghiệp

13/03/2015 00:00

(TN&MT) - Kết quả phân tích hóa học nước ở trung lưu và hạ lưu các sông lớn tại Thanh Hóa như sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Yên... cho thấy nhiều chỉ tiêu...

(TN&MT) - Kết quả phân tích hóa học nước ở trung lưu và hạ lưu các sông lớn tại Thanh Hóa như sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Yên... cho thấy nhiều chỉ tiêu hóa, lý, sinh học vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn nước mặt, thậm chí vượt cả tiêu chuẩn nước thải công nghiệp. Đặc biệt, sông Chu và sông Yên có thể coi “ngang hàng” với nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.
 
Thanh Hóa có 4 hệ thống sông chính gồm: sông Mã, sông Bạng, sông Hoạt và sông Yên có tổng chiều dài 425,7 km với tổng diện tích lưu vực lên đến 11.482 km2. Nếu tính sông suối của Thanh Hóa có chiều dài trên 10 km thì toàn tỉnh có tới 173 con sông, suối (trừ 4 hệ thống sông chính) với tổng chiều dài 4.805 km. Mạng lưới sông ngòi Thanh Hóa phát triển khá dầy và đồng đều giữa các vùng miền. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi này hầu như chưa được điều tra và đánh giá chất lượng nước theo chế độ điều tra cơ bản mà chỉ điều tra cho từng mục riêng biệt.
 
Trong quá trình phát triển kinh tế, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Song nguồn nước hiện nay đã và đang bị cạn kiệt và suy thoái nghiêm trọng do chất thải, nước thải từ các khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề… Cùng với đó, sản xuất công nghiệp, làng nghề của Thanh Hóa còn đang ở quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp còn quá lạc hậu. Không những thế, tâm lý chưa chú trọng đầu tư công nghệ xử lý nước thải, thậm chí trốn tránh, qua mặt cơ quan chức năng theo kiểu đầu tư đối phó càng làm cho nước thải công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước ở nhiều vùng. Ngoài ra, ý thức người dân thực sự vẫn chưa cao trong việc bảo vệ và giữ gìn nguồn nước. Bằng chứng là chất thải sinh hoạt, xác động vật chết… đều được người dân “xử lý” bằng cách ném xuống sông, rồi hàng loạt các bãi rác tự phát hình thành dọc theo các triền sông, suối cũng góp phần không nhỏ trong việc ô nhiễm hóa dòng sông ngày một tăng nhanh.
 
 
Sông Mã đoạn qua huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của một nhà máy giấy
Sông Mã đoạn qua huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của một nhà máy giấy
 
 
Theo số liệu điều tra phân tích mẫu nước trên sông Yên, sông Bạng, sông Chu, sông Mã, sông Hoạt và sông Lèn của các năm cho thấy nguồn nước các sông của Thanh Hóa đã và đang bị ô nhiễm, các chỉ tiêu như: Chất rắn hòa tan, chất rắn lơ lửng, độ đục, độ PH, nitrat, nitrit, phốt pho, amoni, sulfid, colifrom, COD… đều vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt. Nhiều chỉ tiêu hóa, lý và sinh học vượt quá lớn tiêu chuẩn nước mặt, thậm chí vượt cả tiêu chuẩn nước thải công nghiệp. Đặc biệt, phần trung và hạ lưu sông Chu, sông Yên có thể coi “ngang hàng” với nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Các chỉ tiêu vi phạm là: COD, colifrom, sulfid, amoni, phốt pho, độc đục…
 
Không chỉ ô nhiễm, nguồn nước mặt tại Thanh Hóa cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm và cạn kiệt. Vào mùa khô tại một số hệ thống sông nhỏ như sông Hoạt, sông Mạo Khê, sông Cầu Chày và một số sông, suối của vùng sông Mực, sông Bạng trước đây vẫn có nước nhưng hiện nay đã và đang trở nên cạn kiệt. Sông Chu, sông Yên, sông Mã do khai thác nước quá mức nên đã làm cho tình trạng xâm nhập mặn vào quá sâu, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế. Hiện, một số vùng ở trung du, miền núi và các vùng dân cư ven biển đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
 
 
Nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đang “bức tử” những dòng sông
Nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đang “bức tử” những dòng sông
 
 
Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoan nước dưới đất và xả thải vào nguồn nước không theo quy hoạch, không có giấy phép, xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước vẫn còn diễn ra phổ biến đã và đang làm suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. 
 
Đã đến lúc, tỉnh Thanh Hóa cần có những biện pháp cứng rắn hơn, nghiêm minh hơn trong việc giữ gìn “sự sống” cho những dòng sông và trên hết là sự phát triển bền vững cho những thế hệ mai sau.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Dũng - Anh Tú
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Ô nhiễm nước mặt do nước thải công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO