Được biết, hiện tại Nhà máy Cấp nước Hoằng Hóa thuộc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa có công suất hoạt động 7.200 m³/ngày đêm, có vai trò cung cấp nước sạch cho gần 13.000 hộ dân của huyện Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa.
Tại xã Hoằng Vinh, hiện có 15 trang trại chăn nuôi nằm sát hồ chứa nước thô (khu vực khoanh đỏ) |
Tuy nhiên, ngay cạnh tường rào 2 hồ chứa nước thô của nhà máy đang tồn tại hàng loạt trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc và các ao nuôi thủy sản. Qua tìm hiểu của Phóng viên, từ năm 2002, chỉ có 8 trường hợp được UBND xã Hoằng Vinh hợp đồng cho thuê đất ngắn hạn làm trang trại chăn nuôi cá – lúa, song nay đã tăng lên 15 trang trại.
Điều đáng nói, số trang trại trên đang sử dụng sai mục đích đất, không có giấy phép hoạt động và báo cáo đánh giá tác động môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, vì vậy chất thải chủ yếu được chảy ra các ao nuôi, có nguy cơ thẩm thẩu đến khu vực hồ chứa nước thô của Nhà máy Cấp nước Hoằng Hóa.
Chất lượng nguồn nước thô của Nhà máy Cấp nước Hoằng Hóa đang bị “đe dọa” từ các trang trại chăn nuôi |
Có mặt tại khu vực hồ chứa nước thô của Nhà máy cấp nước Hoằng Hóa, quan sát cho thấy: Vị trí hoạt động và khu vực hồ chứa nước thải của các trang trại chỉ cách hồ chứa nước thô từ 3-5m; hầu hết các hồ chứa nước thải chỉ xây bờ kè sơ sài, đáy hồ không lót bạt, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của hồ chứa nước thô; ước tính diện tích mỗi trang trại dao động từ 200-500 m², số lượng vật nuôi từ 1.000-2.000 con.
Tương tự, tại hồ chứa nước thô của Dự án cấp nước sạch cho 8 xã huyện Hoằng Hóa (Dự án thuộc chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng) cũng xuất hiện trang trại chăn nuôi cạnh đó. Hiện, chủ trang trại đã tự ý đấu nối đường ống vào hồ để lấy nước phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia cầm.
Khu vực hồ chứa nước thải chỉ các hồ chứa nước thô từ 3-5m |
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân sống ở thôn 1, xã Hoằng Vinh cho biết: Các trang trại chăn nuôi cạnh hồ chứa nước thô của nhà máy đã hoạt động gần 20 năm. Có thời điểm do số lượng vật nuôi nhiều, cộng với việc chất thải tồn đọng lâu ngày không được xử lý nên phát sinh mùi hôi thối, khó chịu, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của hồ chứa.
Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hoằng Hóa, thì việc hoạt động của 15 trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã Hoằng Vinh có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại hồ chứa nước thô. Về lâu dài, để đảm bảo vấn đề về môi trường và cảnh quan, UBND xã, UBND huyện và các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch di dời các trang trại chăn nuôi xa khu vực hoạt động của nhà máy.
Chủ trang trại đã tự ý đấu nối đường ống vào hồ để lấy nước phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia cầm |
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Vinh cho biết: Trước năm 2004, các trang trại chăn nuôi đã hoạt động, đúng là các chủ trang trại đang sử dụng sai mục đích đất và chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Để thực hiện đúng quy hoạch mở rộng thị trấn Bút Sơn và tránh việc ảnh hưởng tới nguồn nước của nhà máy, UBND xã đang vận động các hộ thực hiện việc di dời các trang trại chăn nuôi đến vị trí phù hợp.
Ông Hà Thọ Thiện, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho biết: Việc các trang trại chăn nuôi lợn, gà vịt đang hoạt động cạnh Nhà máy nước sạch xã Hoằng Vinh sử dụng sai mục đích đất và chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Huyện cũng đã chỉ đạo huyện tìm quỹ đất để di dời các trang trại này đi chỗ khác, nhằm đảm bảo nguồn nước cho nhà máy./.