Thanh Hóa: Lập phương án bảo vệ tuyến đê tả sông Chu

Hoàng Anh| 28/04/2021 14:34

(TN&MT) - Để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Thọ Xuân khẩn trương xây dựng Phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2021 cho tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K15+800 - K17+500.

Tuyến đê tả sông Chu đi qua địa bàn huyện Thọ Xuân đã được nhà nước quan tâm đầu tư, tu bổ nâng cấp qua nhiều năm, đến nay chiều rộng mặt đê cơ bản rộng B=6,0m và đã được gia cố đáp ứng nhu cầu giao thông qua lại và công tác ứng cứu hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ và căn cứ vào những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ, bão trước. Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa xét thấy đoạn đê tả sông Chu từ K15+800 - K17+500 có chiều cao thân đê lớn, trong đó vị trí từ K16+680- K17+352 là đê sát sông, dòng chủ lưu áp sát bờ, năm 2017 đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng mái đê phía sông. Năm 2018 tại vị trí 16+360 (cống Ngọc Quang) tiếp tục xảy ra sự cố bãi sủi gần chân đê phía đồng.

Thanh Hóa khẩn trương xây dựng Phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2021 cho đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thọ Xuân

Mặc dù các sự cố trên đã được xử lý làm kè lát mái bảo vệ bờ và lấp bãi sủi, tuy nhiên trải qua các năm 2019, năm 2020 sông Chu chưa xảy ra lũ lớn, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn công trình đê điều khi có mưa lũ lớn là rất cao.

Để đảm bảo an toàn tuyến đê tả sông Chu trong mùa mưa, lũ năm 2021, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, bão gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Thọ Xuân chỉ đạo các Phòng chức năng và đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng Phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2021 cho đê tả sông Chu đoạn từ K15+800 - K17+500. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra.

Phương án bảo vệ trọng điểm phải nêu rõ hiện trạng công trình, dự kiến tình huống sự cố, giải pháp kỹ thuật xử lý, khối lượng vật tư, phương tiện, lực lượng...đủ để đối phó kịp thời với tình huống sự cố phức tạp nhất có thể xảy ra. Phân công và quy định người chịu trách nhiệm chính, các thành viên giúp việc; cụ thể về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị và cá nhân tham gia thực hiện phương án xử lý để không bị động.

Từng loại phương tiện phục vụ trọng điểm (xe ô tô, công nông, máy xúc, thuyền bè, máy phát điện...) phải có hợp đồng với chủ phương tiện. Lực lượng tham gia ứng cứu hộ đê, lực lượng tuần tra canh gác đê và các lực lượng khác... phải có danh sách cụ thể. Tình huống sơ tán dân (nếu có): phải thể hiện tổng số hộ, số khẩu sơ tán; hướng di chuyển; vị trí chuyển dân sơ tán; khoảng cách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Lập phương án bảo vệ tuyến đê tả sông Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO