Thanh Hóa: “Làng cá chép” những ngày giáp Tết

Hoàng Anh| 08/01/2020 13:41

(TN&MT) - Trong những ngày cận Tết ông Công - ông Táo, làng nuôi cá chép nổi tiếng ở Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) lại tất bật người mua người bán, không khó để bắt gặp trên đường những hình ảnh thương lái chở những túi bóng căng phồng, bên trong là những “chú” cá chép đỏ, rung rinh rong ruổi khắp phố phường, báo hiệu một mùa Tết Nguyên Đán đang cận kề. Thế nhưng, ít ai biết được rằng: Những “chú” cá chép đỏ rực rỡ kia “từ đâu mà đến”.

Phát triển làng nghề đồng hành với bảo vệ môi trường

Cách TP. Thanh Hóa không xa chừng 5km về phía Nam, chúng tôi tìm về thôn Tân Trúc, xã Quảng Tân (nay là một phần thị trấn Tân Phong) huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có thể coi là "vựa cá nuôi" của xứ Thanh bởi nghề nuôi cá đã tồn tại và hình thành từ nhiều thế hệ, không những vậy mà 100% các hộ gia đình đều có ao nuôi cá.

Anh Nguyễn Văn Tiến (thôn Tân Trúc, thị trấn Tân Phong) hồ hởi bên mẻ cá chép đỏ

Anh Nguyễn Văn Tiến thôn Tân Trúc, thị trấn Tân Phong, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề nuôi cá tâm sự: “Được ông cha truyền lại, tôi có trách nhiệm gìn giữ nghề, tuy có đôi chút vất vả nhưng thu nhập cũng tạm ổn cho cuộc sống. Ngoài cá truyền thống nuôi để làm thương phẩm thì những ngày cuối năm, chúng tôi nuôi thêm cá chép đỏ phục vụ ngày Tết ông Công - ông Táo, mấy ngày nay, thương lái đã bắt đầu đến đặt hàng nhiều hơn”.

Với diện tích hơn 2.500m² được chia làm nhiều hồ nuôi, hộ gia đình nhà anh Tiến có đủ các chủng loại cá như trắm, trôi, mè, rô, và cá chép đỏ. Riêng cá chép đỏ được thả nuôi từ tháng 8, 9 dương lịch và sau 2-3 tháng có thể xuất ra thị trường với giá dao động trên dưới 100.000đ/kg. Tuy được coi là giống cá dễ nuôi bởi thức ăn của cá chép đỏ thường là thực vật phù du, rong rêu (thi thoảng ăn thêm cám bổ sung), nhưng lại khó vì chúng rất dễ bị dịch bệnh hay ngạt khí nếu như nguồn nước không đảm bảo, thời tiết “động trời”.

Mặc dù có đôi chút khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn cần mẫn gìn giữ nghề truyền thống

Được biết, giống cá chép đỏ được anh Tiến nhân giống mà không cần mua mới, tiết kiệm thêm được chi phí, tuy nhiên cá chép đỏ chỉ “phục vụ một mùa” nên thu nhập cũng ở mức trung bình so với cá nuôi thương phẩm. Để đảm bảo cho cá đạt năng suất tốt nhất, khu vực ao nuôi được anh thay nước mỗi tuần một lần, nước được dẫn về trực tiếp từ sông Nông Giang, tuy vậy chất lượng nước nhiều khi không đảm bảo, gây ra những khó khăn cho không chỉ anh mà các hộ dân nơi đây đều ảnh hưởng.

Cũng theo anh Tiến, đây là địa phương có diện tích thả nuôi cá rất lớn, thế nhưng anh và người dân nơi đây luôn ý thức được việc phát triển làng nghề phải song song với công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như việc người dân không lạm dụng việc sử dụng cám chăn nuôi, mà chỉ đan xen kết hợp với thức ăn hữu cơ tự có là chủ yếu, không sử dụng các loại thuốc hóa học nhằm bảo vệ cá trước dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn nước sau khi thau hồ không gây ô nhiễm ra môi trường.

Anh Tiến luôn ý thức việc phát triển nghề truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường

Nghề truyền thống, thu nhập ổn định

Theo như một số người dân nuôi cá lâu năm bật mí: Cá chép đạt yêu cầu phải là con cá không xây xát, thân hình khỏe mạnh, không có đốm, có màu đỏ rực như màu cờ, đôi mắt xanh đen. Cá chép đỏ khi đạt từ 1kg trở lên có thể làm thực phẩm, thịt cá giàu dinh dưỡng và ngon như cá chép trắng, nhưng do cá có màu đỏ đẹp (màu của sự may mắn), lại ứng với truyền thuyết về cá chép vượt vũ môn hóa rồng của người Việt, nên người dân nuôi cá chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng chứ không phát triển nuôi cá thương phẩm.

Theo truyền thống của người Việt, cá chép đỏ gắn liền với truyền thuyết “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”

Được biết, thị trấn Tân Phong có hơn 400 hộ gia đình nuôi cá nhỏ lẻ với diện tích 60 ha ao hồ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 80 tấn cá chép để phục vụ Tết Táo quân, chỉ tính riêng cá cho ngày 23 tháng Chạp, ước tính, hộ ít cũng phải bán được 1 tấn, vì thế nhiều gia đình ở đây đã có cuộc sống ổn định nhờ vào nghề nuôi cá. Anh Hoàng Văn Luận ở thôn Tân Trúc, thị trấn Tân Phong cho biết: Ngoài cá thương phẩm, nhà tôi còn nuôi thêm cá chép đỏ, cá cảnh, nghề nuôi cá không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, chăm chỉ mới thành công. Cá chép đỏ đạt yêu cầu được bán cho thương lái các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh… trừ hết chi phí thì trung bình một năm nhà tôi lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Luận (thôn Tân Trúc, thị trấn Tân Phong) bên ao cá là nguồn thu nhập chính của gia đình

Nghề nuôi cá ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, mà còn gìn giữ một nét truyền thống vốn có của cha ông để lại. Hy vọng với những sự cố gắng, chăm chỉ của người dân, làng nghề sẽ càng phát triển hơn nữa, góp phần làm rạng rỡ ngành nghề truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: “Làng cá chép” những ngày giáp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO