Thanh Hóa: Hiệu quả từ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thanh Tâm| 13/12/2020 23:07

(TN&MT) - Năm 2020, Ban Quản lý quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chi trả cho các chủ rừng tại các lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2019 với tổng số tiền 21.096 triệu đồng.

Trong đó, chi trả cho 22 chủ rừng là tổ chức, số tiền 10.098 triệu đồng; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, số tiền 10.556 triệu đồng. Trong đó, chi trả trực tiếp cho 1.744 hộ, chi trả cho các hộ thông qua người đại diện và chi trả cho cộng đồng 501 thôn/bản; chi trả cho 20 UBND xã, số tiền 442 triệu đồng.

Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ phối hợp với chính quyền địa phương (huyện, xã), hạt kiểm lâm các huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020, đã tổ chức 1 đợt giám sát việc chi trả tiền DVMTR kết hợp kiểm tra việc sử dụng tiền DVMTR của 22 chủ rừng là tổ chức, 215 thôn, bản và một số hộ gia đình trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh...

Tiền DVMTR của chủ rừng là tổ chức tập trung chi cho các hộ nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng, chi cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và chi trả lương và các khoản có tính chất tương đối với các đối tượng hợp đồng quản lý bảo vệ, phát triển rừng.

Thanh Hóa đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường đúng đối tượng, hiệu quả

Đối với tiền DVMTR của cộng đồng thôn, bản được sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân trong thôn, bản. Nội dung chi tập trung vào: chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; chi đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi như xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa, trụ sở thôn...

Việc sử dụng tiền DVMTR được các cộng đồng thôn, bản tổ chức họp dân để: cử người đại diện cộng đồng đứng tên nhận tiền; thống nhất phương án sử dụng tiền. Các nội dung này được sự đồng thuận cao của các hộ gia đình trong thôn, bản, được ghi chép bằng biên bản và được UBND xã ký xác nhận.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hiệu quả từ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO