Thanh Hóa: Hiệu quả từ mô hình trồng rừng ngập mặn ven biển

19/12/2016 00:00

(TN&MT) - Do sức ép về phát triển kinh tế, rừng ngập mặn đang bị phá để làm đầm nuôi tôm, diện tích rừng ven biển đang bị thu hẹp nhanh chóng và suy thoái nghiêm trọng. Thế nhưng trái ngược với thực trạng chung đó, huyện Hậu Lộc vẫn đang ngày một nhân rộng mô hình trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển. “Bức tường xanh” đó đã ngăn bao cơn sóng dữ, bảo vệ những người dân làng chài.

Khoa học đã khẳng định, nếu có rừng ngập mặn tiến ra phía biển 100m thì sóng sẽ hạ 50% khi vào tới bờ, những con đê biển chắn sóng được vững vàng hơn do giảm áp lực của nước; cân bằng được môi trường sinh thái. Thực tế được chứng minh tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Tháng 9/2005 cơn bão Damrey đi qua các tỉnh phía bắc đã làm vỡ đê phòng hộ phá huỷ nhà cửa, gây thiệt hại về hoa màu và vật nuôi tại các xã nghèo ven biển. Thế nhưng tại xã Đa Lộc nhờ vành đai rừng ngập mặn bao quanh trước đê biển mà tuyến đê đó không bị vỡ. Từ đó người dân ở đây nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn.

“Bức tường xanh” vẫn đang bảo vệ hệ thống đê ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc trước những cơn sóng dữ.
“Bức tường xanh” vẫn đang bảo vệ hệ thống đê ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc trước những cơn sóng dữ.

Từ năm 2006, Tổ chức Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai - CARE (Australia) đã tài trợ cho hai xã Đa Lộc và Hải Lộc trồng thêm 200ha rừng ngập mặn trong 3 năm. Năm 2010, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung cũng đã tài trợ về kỹ thuật và kinh phí hơn 7 tỷ đồng để triển khai dự án trồng rừng ngập mặn trên địa bàn xã Minh Lộc và Đa Lộc. Sau hơn 5 năm thực hiện đã có 106 ha rừng ngập mặn chủ yếu là cây bần chua được trồng thành công, chiều cao trung bình của cây hiện đã đạt từ 8 đến 23cm, đường kính gốc có cây đạt trên 25cm.

Rừng ngập mặn được trồng thành công tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc góp phần bảo vệ các tuyến đê, giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên, nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc khai thác thủy, hải sản. Rừng ngập mặn phát triển trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại chim, tôm và cá. Người dân các xã được hưởng lợi từ trồng rừng ngập mặn cũng đã từng bước nâng cao thu nhập từ việc nhân giống cua biển và nuôi ong dưới tán rừng.

Có dịp về các xã ven biển huyện Hậu Lộc bạn sẽ được thấy dọc tuyến đê biển phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn gồm bần chua, sú, vẹt... Những khu rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi, cây cao 3 - 5m góp phần tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu cho nhiều xã dọc sông, biển. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với tôm, cua, ốc, cáy...

Người dân vẫn đang hàng ngày mưu sinh kiếm sống từ rừng ngập mặn.
Người dân vẫn đang hàng ngày mưu sinh kiếm sống từ rừng ngập mặn.

Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển Hậu Lộc đang hưởng lợi từ rừng ngập mặn mang lại. Những gia đình khó khăn không có tàu thuyền đi biển, hàng ngày vẫn có thể bắt cua, ốc, cáy ở rừng ngập mặn để mưu sinh kiếm sống.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình có nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào chồng đi biển nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2012 đến nay, hệ thống rừng ngập mặn phát triển mạnh, đã có rất nhiều cáy, ốc về trú ngụ, nên sáng tranh đi bắt cáy, ốc một buổi cũng cho thu nhập trên dưới 150.000 đồng. 

Không những thế, trên địa bàn xã Đa Lộc cũng có gần 100 hộ nuôi ong lấy mật từ hoa của cây bần chua, sú, vẹt. Bình quân 1 năm cũng cho thu hoạch 4-5 tấn mật ong.  

Ông Vũ Văn Đỉnh  - Chủ tịch UBND xã  Đa Lộc nhớ lại: Cơn bão số 7 năm 2005 đã làm vỡ hàng ngàn mét đê khiến nước ồ ạt tràn vào thôn xóm. Điều lạ là những đoạn đê có rừng ngập mặn vây quanh đều không hề hấn gì. Từ đó, chính quyền và người dân Hậu Lộc nhận ra tác dụng to lớn của rừng ngập mặn. Nhờ sự tài trợ kinh phí, hỗ trợ về kĩ thuật của nhà nước cũng như nhiều tổ chức xã Đa Lộc đã trồng được 451ha rừng ngập mặn. Hiện tại diện tích rừng ngập mặn vẫn đang phát triển rất tốt và sẽ còn được nhân rộng hơn nữa.

Với quyết tâm cao của chính quyền, cộng đồng dân cư và nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, bà con đã hiểu và chung sức với chính quyền trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới được hơn 300ha rừng ngập mặn

Trồng rừng trước đê biển để chắn sóng là kinh nghiệm của cha ông nhiều đời nay, cần được tuyên truyền, nhân rộng. Để sau mỗi cơn bão đi qua mỗi chúng ta không phải giật mình trước hậu quả của nó để lại. Mô hình trồng rừng ngập mặn ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc cần được nhân rộng. Để làm “bức tường xanh” bảo về hệ thống đê biển cũng chính là bảo vệ tài sản và tính mạng của con người trước những cơn sóng dữ.

                                                                                       Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hiệu quả từ mô hình trồng rừng ngập mặn ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO