Lập quy hoạch, phân bổ đất đai còn chậm
Trong quá trình triển khai Luật Đất đai, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đã có 6.559 dự án được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 9.277,48ha. Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã thu hút được 89 dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài, sử dụng 5.117,65ha đất. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hồi 24 dự án, với diện tích là 81,67ha giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, tổ chức đấu giá theo quy định. Có 10.682 dự án phải thu hồi đất, tổng diện tích đất thu hồi là 21.895,991ha.
Về đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai tại 469/559 xã, phường, thị trấn với diện tích 367.206,8ha. Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã thực hiện đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân với diện tích 649.222,9 ha/684.791,51ha diện tích cần cấp, đạt tỷ lệ 94,81%, số GCNQSDĐ đã cấp 2.385.281giấy/2.466.384 giấy cần cấp, đạt tỷ lệ 96,71%.
Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, với tổng số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trên địa bàn tỉnh là 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 72.989 tỷ đồng.
Trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013, Thanh Hóa còn gặp một số vướng mắc. Đó là: Công tác lập quy hoạch, phân bổ đất đai còn chậm, ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch sử dụng đất, quản lý sử dụng đất; Việc quy định Chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với người sử dụng đất đã gây khó khăn, cản trở cho tiến độ thực hiện các dự án khi người sử dụng đất thiếu sự hợp tác, ảnh hướng đến công tác thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn lực trong việc quản lý thông tin về đất đai chưa được đầu tư đồng bộ nên trong công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công tác thi hành Luật Đất đai đạt được kết quả cao hơn, tỉnh Thanh Hóa đề xuất, trong thời gian tới, Bộ TN&MT cần nghiên cứu, tổng hợp các Luật, Nghị quyết nhằm thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để các cấp dễ dàng thực hiện. Trong công tác quy hoạch sử dụng đất cần phân cấp rõ quy hoạch Quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh, huyện. Đối với các dự án Nhà ở thương mại, dự án sản xuất kinh doanh ngoài khu Công nghiệp cần đưa vào đấu giá để bảo đảm tính công khai, minh bạch và tăng nguồn thu cho Nhà nước.
Đối với công tác xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, đề xuất bỏ mục “Nhà đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất” để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp nên cấp quyền sử dụng đất lâu dài nhằm giảm phiền hà khi tham gia thủ tục hành chính và bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người dân.
Đồng thời, sửa đổi phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai cần quy định theo phạm vi toàn lãnh thổ nước Việt Nam. Sửa đổi Luật theo hướng quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giao đất, cho thuê đất. Cần quy định chế tài để hỗ trợ nhà đầu tư đối với phần diện tích chiếm tỷ lệ rất nhỏ còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thỏa thuận được để đảm bảo triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 về hạn mức giao đất trồng cây lâu năm là không phù hợp với bối cảnh hiện nay theo chủ trương xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây công nghiệp. Cần xây dựng mô hình Bộ máy Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay theo hướng chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở huyện về trực thuộc UBND huyện để quá trình thực hiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quản lý của chính quyền địa phương.