Dự án 12 năm vẫn nằm… trên giấy
Điển hình cho hàng loạt dự án treo phải kể đến Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn - Nam Sầm Sơn của Công ty CP Văn Phú Invest (Công ty Văn Phú). Dự án này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UB ngày 29/4/2004 về việc thu hồi 266.000 m2 (26,6 ha) đất ven biển của 95 hộ gia đình tại 2 xã Quảng Hùng và Quảng Đại. Trong đó, đất tại xã Quảng Hùng là 236.810 m2, xã Quảng Đại là 29.190 m2 chủ yếu là đất lâm nghiệp trồng cây phi lao chắn sóng đất màu và đất thổ cư ven biển.
Khu du lịch biển Tiên Trang của Công ty SOTO XD dở dang |
Thế nhưng, có mặt tại địa điểm xây dựng Khu biệt thự Hùng Sơn, cả hàng chục héc-ta đất lâm nghiệp, đất màu vẫn bỏ hoang, đường vào khu biệt thư vẫn là con đường đất gồ ghề ổ voi, ổ gà. Khu nhà ở của dân do không được đầu tư sửa chữa đã xuống cấp trầm trọng sập bất cứ lúc nào, mồ mả vẫn chưa được giải tỏa
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân xã Quảng Hùng cho biết: "Diện tích Nhà nước thu hồi đất của chúng tôi ngoài đất thổ cư, đất ở ra, còn lại chủ yếu là đất lâm nghiệp. Chỉ tay về phía trước khu đất rộng mênh mông hàng chục héc-ta các hộ dân nói: Khu đất này trước đây là cả một rừng phi lao rộng lớn, là nơi mỗi khi mưa bão tràn về nó như bức tường thành vững chắc chắn những con sóng lớn ập vào, mùa hè thì là nơi nghỉ ngơi của ngư dân mỗi khi tàu bè cập bến. Nhưng kể từ khi khu đất này giao cho Công ty Văn Phú thực hiện dự án Khu biệt thự Hùng Sơn, thì rừng phi lao đã bị chặt trụi. Ngư dân chúng tôi khốn đốn mỗi khi trời mưa bão, nắng nóng không biết trốn vào đâu?".
Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn tại Thị xã Sầm SƠn 12 năm chưa XD |
Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang của Công ty TNHH SOTO tại huyện Quảng Xương được chia ra làm 2 dự án: Dự án Khu đô thị du lịch biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái theo Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 với diện tích 448.631 m2 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại các xã Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch với diện tích 427.000 m2 chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp ven biển. Mặc dù được các cấp chính quyền tạo điều kiện đầu tư, nhưng đến nay chủ đầu tư đang thực hiện dự án dở dang.
Nhưng trên thực tế, Công ty SOTO chỉ mới đầu tư xây dựng dọc bãi biển một khu nhà dở dang, qua thời gian không được đầu tư nay đã xuống cấp. Diện tích còn lại dọc bãi biển là cỏ lau và hàng phi lao mọc um tùm.
Khu du lịch biển Tiên Trang của Công ty SOTO XD dở dang |
Ngoài ra trên địa bàn Thị xã Sầm Sơn còn có các dự án của Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ kỹ thuật Thành Minh, Công ty TNHH Hồng Thắng, Hợp tác xã Bảo trợ nhân đạo nghề nghiệp Sầm Sơn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Sầm Sơn, Tập đoàn Viễn thông quân đội. Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh, Công ty CP Ánh Ngọc, Công ty cổ phần Hải Châu, Công ty TNHH Tuấn Hồng… cũng đã “ án ngữ” nhiều khu đất vàng ven biển nhiều năm nay, nhưng dự án vẫn không được thực hiện.
Chính quyền vào cuộc
Trước tình hình trên, ngày 30/5/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 5447/UBND-THKH về việc giao Sở TN&MT chủ trì phối với với các ngành, địa phương làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng vi phạm quy định của pháp luật về đất đai để làm rõ những khó khăn, vướng mắc cũng như những vi phạm trong việc sử dụng đất đai của doanh nghiệp.
Ngày 30/6/2016, Sở TN&MT có Báo cáo số 160/BC-STNMT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất để thực hiện dự án nhiều năm nhưng đến nay vẫn không thực hiện hoặc thực hiện dự án chậm tiến độ.
Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn tại Thị xã Sầm Sơn 12 năm chưa XD |
Trong đó, hai dự án của Công ty SOTO, Sở TN&MT đã kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu Công ty tích cực trong công tác bồi thường, GPMB, rà soát lại dự án, cả về quy mô, tiến độ thực hiện, cam kết thời gian thực hiện.
Ngày 29/9/2016, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cũng đã làm việc với Công ty TNHH SOTO và có Kết luận: “Sau 8 năm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, chủ đầu tư thực hiện triển khai dự án chậm tiến độ so với quy định, ảnh hưởng đến phát triển du lịch của địa phương, chưa đầu tư các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch , chưa đầu tư hình thành các khu chức năng, nhà nghỉ… để phục vụ du lịch; các công trình để phục vụ khu du lịch hầu như không có gì”.
Khu du lịch biển Tiên Trang của Công ty SOTO XD dở dang |
Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất của Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam- Chi nhánh Sầm Sơn, Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest tại Thị xã Sầm Sơn. Công ty CP Hải Châu tại huyện Tĩnh Gia. Đặc biệt, đối với dự án Khu biệt thự Hùng Sơn- Nam Sầm Sơn của Công ty CP Văn Phú Invest đã được bồi thường GPMB, từ khi được UBND tỉnh giao đất đến nay đã nhiều năm nhưng Công ty mới san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào khu vực tiếp giáp với khu dân cư, hạ tầng dự án chưa triển khai xây dựng, vi phạm điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: UBND tỉnh giao Sở tài nguyên và Môi trường dà soát lại các dự án chậm tiến độ. Đối với Công ty Văn Phú Invest Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đề nghị thu hồi đất vì dự án chậm tiến độ. Còn đối với dự án biển Tiên Sơn của Công ty SOTO, sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp bàn với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, nếu xét thấy doanh nghiệp không đủ khả năng cũng đề nghị thu hồi đất
Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc về nội dung này.
Bài & ảnh: Tuyết Trang