Cụ thể Sở NN&PTNT kiểm tra 4 tuyến đê gồm: Tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K50+652 - K51+200, qua địa bàn phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hoá. Tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K34+100 - K42+000, qua địa bàn thị trấn Thiệu Hoá và các xã Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp và tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K31+500 - K36+000, qua địa bàn các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp huyện Thiệu Hóa. Tuyến đê tả sông Mã đoạn từ K55+769 - K62+500, qua địa bàn các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa. Tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K31+500 - K36+000, qua địa bàn các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, dài 5,5 km
Kết quả kiểm tra cho thấy cả 4 tuyến nêu trên có nền đê yếu, đi qua địa hình phức tạp; thân đê được đắp áp trúc qua nhiều thời kỳ, đất đắp bằng không đồng nhất, trong thân đê tiềm ẩn nhiều hang hốc, tổ mối. Công trình đê điều ngoài trời chịu tác động trực tiếp của thời tiết (nắng nóng liên tục kéo dài, mưa lũ cực đoan làm cho công trình xuống cấp theo thời gian,…). Tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K50+652 - K51+200 qua địa bàn phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hoá dài 548m có mặt đê là đất đá cấp phối chưa được kiên cố hoá.
Tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K34+100 - K42+000, qua địa bàn thị trấn Thiệu Hoá và các xã Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa có mật độ phương tiện giao thông qua lại nhiều. Đặc biệt từ tháng 2/2021, Dự án cao tốc Bắc-Nam thi công cầu Núi Đọ, sử dụng tuyến đê làm đường vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công (đã có biên bản xác định hiện trạng các tuyến đường trước khi thi công và cam kết thi công, sửa chữa hoàn trả giữa Ban QLDA Thăng Long, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Thiệu Hoá, Liên danh nhà thầu Vinaconex Trung Nam E&C).
Tuyến đê tả sông Chu đoạn từ K34+100 - K42+000, qua địa bàn xã Thiệu Nguyên hư hỏng nặng |
Tuyến đê hữu sông Mã đoạn từ K31+500 - K36+000, qua địa bàn các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa là tuyến giao thông chính liên xã có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại nhiều.
Tuyến đê tả sông Mã đoạn từ K55+769 - K62+500, qua địa bàn các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa dọc 02 bên chân đê phía sông và phía đồng có nhiều ao hồ nuôi trồng thuỷ sản tự phát đã tồn tại từ lâu (Quá trình tu bổ, nâng cấp mở rộng mặt đê phần chân đê chiếm chỗ lấn vào đất nuôi trồng thuỷ sản), hàng năm các hộ cải tạo, nạo vét ao nuôi gây tác động ảnh hưởng đến ổn định thân, nền đê. Mật độ các phương tiện lưu thông trên tuyến đê nhiều vào thời điểm thu hoạch nuôi trồng thuỷ sản. Ngân sách địa phương hàng năm dành cho duy tu, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của tuyến đê chưa được thường xuyên.
Tuyến đê tả sông Mã đoạn từ K55+769 - K62+500, qua địa bàn các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa xuất hiện nhiều vết nứt |
Sở NN&PTNT kiến nghị: Đối với UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác quản lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc để xảy ra vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn đê điều theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai đến người dân sinh sống ven đê nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn công trình đê điều.
Các tuyến đê đã được lắp dựng các khung khống chế tải trọng xe đi trên đê, yêu cầu chỉ đạo UBND các xã kiểm tra và có biện pháp quản lý việc vận hành khung khống chế theo quy định, bảo vệ chặt chẽ không để xảy ra tình trạng phá hoại các khung khống chế hoặc tháo, mở thanh chắn ngang.
Đối với các hư hỏng nhỏ (ổ gà, bong tróc, nứt dọc mặt đê...) chủ động bố trí kinh phí từ nguồn quỹ Phòng, chống thiên tai hàng năm và ngân sách địa phương để kịp thời sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình đê điều và giao thông qua lại trên đê. Đối với hư hỏng lớn (lún, nứt, hư hỏng nghiêm trọng mặt đê...) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét bố trí kinh phí để Duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa hàng năm.
Công an tỉnh: Tăng cường công tác theo dõi giao thông trên các tuyến đê để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông xe quá khổ, quá tải trọng cho phép theo quy định và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến.
Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa: Chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các quy định về tải trọng xe được lưu thông trên đê; triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và đồng thời thường xuyên tu sửa các hư hỏng mặt đê trên các tuyến đê được sử dụng làm đường vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công Dự án, đảm bảo an toàn giao thông và công tác ứng cứu hộ đê khi có thiên tai xảy ra.